Trong không khí chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam và Giỗ tổ nghề Sân khấu (12-8 âm lịch), sáng 1-10 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1957-2017).
Tới dự có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cách mạng Tháng Tám là cuộc hồi sinh của nghệ thuật sân khấu Việt Nam và đem lại chức danh mới cho người nghệ sĩ, thành chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, kỹ sư tâm hồn. Nghệ thuật sân khấu bước vào thế kỷ mới theo chuyển động cách mạng của cả dân tộc. Các nghệ sĩ trên khắp cả nước được tập hợp, các đoàn văn công được thành lập. Hàng loạt các vở diễn sân khấu ra đời ở các chiến khu, sống trong lòng nhân dân, phục vụ kháng chiến. Những tác phẩm sân khấu để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bao thế hệ khán giả đến ngày nay như: “Cô gái sông Lam”, “Tiếng vọng non sông”, “Tổ quốc”… Sau năm 1975, cùng với cuộc hội tụ của cả dân tộc, sân khấu về chung mái nhà Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Điểm nổi bật trong những năm sau giải phóng là ngoài những tác phẩm mang tính sử thi viết về chiến tranh, là một loạt vở diễn với đề tài xã hội đương đại… Trong thời kỳ đổi mới, cùng với nhiều ngành nghệ thuật, sân khấu đứng trước nhiều cơ hội phát triển và cũng phải vượt qua nhiều thách thức. Các nghệ sĩ đã nhạy bén đưa lên sàn diễn nhiều tác phẩm mới về cuộc chuyển mình của đất nước.
Bên cạnh những thành công vang dội của các tác phẩm, vở diễn sân khấu là tên tuổi của đội ngũ sáng tạo như: Tào Mạt, Học Phi, Đào Hồng Cẩm, Lộng Chương, Trần Bảng, Nguyễn Đình Nghi, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ…
Trong diễn văn kỷ niệm, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là dấu mốc dành cho sân khấu và những người của những hoạt động dành cho sân khấu trước đó, và là điểm sáng hướng đến của các thế hệ làm nghề sau này. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam luôn là ngôi nhà chung với cánh cửa rộng mở đón chào những tấm lòng thơm thảo, ái hữu, biết vì nhau trong lo toan, chia sẻ; biết tôn vinh và biết tri ân thế hệ đi trước như một đạo lý trong nghề nghiệp.
Tại lễ kỷ niệm, Ban tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp sân khấu” cho nhiều nghệ sĩ; tổ chức biểu diễn nghệ thuật với các tiết mục của nhiều loại hình như xiếc, trích đoạn chèo, tuồng, múa rối…
Nguồn: qdnd.vn