(QK7 Online) - Tháng 7 về, cả dân tộc thành kính tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, tưởng nhớ lớp lớp cha anh hiến dâng xương máu của mình đổi lấy độc lập - tự do cho dân tộc ta ngày hôm nay, trong đó là sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bộ đội tham quan hình ảnh Mẹ VNAH được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 7
Chiến tranh đã lùi xa, tiếng thét gào của bom đạn không còn nữa, những vết thương trên thịt da theo năm tháng cũng đã lành trở lại, nhưng những vết thương lòng các mẹ vẫn còn nặng mang. Đó là nỗi niềm của biết bao bà mẹ Việt Nam có con ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số trên 139.275 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) của cả nước, riêng mảnh đất miền Đông Nam Bộ đã có hàng chục ngàn mẹ nén đau thương, chặn dòng nước mắt cho những đứa con ra trận không về nữa. Sự hy sinh thầm lặng, cao cả, thiêng liêng của các Mẹ đã tôn lên phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Bất khuất, anh hùng, trung hậu, đảm đang”, đó là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Hội phụ nữ các cơ quan Quân khu 7 thường xuyên thăm hỏi, tặng quà tri ân Mẹ VNAH
Những “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất miền Đông Nam Bộ đã minh chứng cho sự cống hiến hy sinh, vô bờ bến của các mẹ, như: Mẹ Phạm Thị Ngư (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có 5 con trai, 2 con gái và 1 con rể là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT Nhân dân; trong những năm chống Mỹ, mẹ Ngư cùng bà con cơ sở đã chuyển ra vùng căn cứ giải phóng nhiều tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho cách mạng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ở địa phương. Mẹ Trần Thị Viết (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An); mẹ sinh được 10 người con (8 trai, 2 gái), 8 người con trai của mẹ đều tham gia kháng chiến và 7 người đã hy sinh cho đất nước. Mẹ Nguyễn Thị Rành (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM) có 8 con trai và 2 cháu là liệt sĩ, bản thân mẹ cũng là Anh hùng LLVT Nhân dân. Đặc biệt, có 3 chị em ruột đều là Mẹ VNAH đó là mẹ Bùi Thị Hai, Bùi Thị Dị, Bùi Thị Sáu (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận); trong đó mẹ Hai có chồng và 4 con là liệt sĩ, mẹ Dị có 3 con là liệt sĩ và mẹ Sáu có 4 con là liệt sĩ.
Các lực lượng đón và chăm sóc Mẹ Việtt Nam anh hùng đến tham gia các sự kiện của Quân khu
Trên địa bàn Quân khu 7 hiện nay có 649 Mẹ VNAH còn sống. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” những năm qua Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong LLVT Quân khu quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ chu đáo, tận tình.
Quân y đơn vị thường xuyên đến nhà thăm, khám sức khoẻ tri ân Mẹ VNAH
Các Mẹ nay đã già, mắt mờ chân chậm, thời gian lặng lẽ trôi, khắc khoải trong từng câu chuyện của các mẹ là nỗi nhớ con và sự cô đơn, đặc biệt những mẹ có con duy nhất đã hy sinh cho đất nước. Tháng 7 tri ân, chúng ta nhớ về cội nguồn, nhớ về những “địa chỉ đỏ” nơi đó là cả một ký ức hào hùng, tinh thần bất khuất của cả dân tộc và những mất mát, hy sinh của những người Mẹ Việt Nam anh hùng, khát vọng để đất nước được trường tồn, vững mạnh, hùng cường.
Trần Rô