Tại hội thảo, các nhân chứng lịch sử, đại biểu nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện Phước Long, Bù Gia Mập, lực lượng vũ trang huyện Phước Long, Bù Gia Mập qua các thời kỳ đã có nhiều ý kiến thảo luận, góp ý và cung cấp những thông tin quý về bố cục, sự kiện lịch sử, địa danh, tên riêng, danh sách cán bộ lãnh đạo chủ chốt lực lượng vũ trang huyện qua các nhiệm kỳ…
Các nhân chứng lịch sử đề nghị Ban biên soạn chắt lọc, kế thừa nguồn tư liệu cuốn “Lịch sử truyền thống cấp ủy Phước Long” và “Lịch sử Đảng bộ, quân và dân Bù Gia Mập” đưa lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bù Gia Mập để đảm bảo tính khoa học, liên tục, vì địa bàn Bù Gia Mập trước đây thuộc huyện Phước Long. Bổ sung, làm rõ vai trò, quá trình hoạt động, sáp nhập các K (K11, K14, K28, K125); sự đóng góp của Nhân dân, bộ đội, các đội mũi công tác; lực lượng vũ trang Phước Long - Bù Gia Mập trong chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nhất là trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng với quân, dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Iêng-sari; thống nhất về số liệu, tên gọi địa danh, tên nhân vật. Đồng thời, đề nghị ban biên soạn bổ sung các nội dung: hình ảnh chân dung lãnh đạo Ban chỉ huy huyện, Đại đội 568 qua các thời kỳ và chỉnh sửa,… để tổ chức hội thảo lần sau đạt chất lượng, hiệu quả.
Bù Gia Mập là địa phương cuối cùng của tỉnh hoàn thành biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang. Khi hoàn thành, cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Bù Gia Mập (1945-2020)” là nguồn tư liệu quan trọng góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Bù Gia Mập.