Ngày 9/12, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn đã khảo sát hiện trạng các đơn vị hành chính đề nghị thành lập phường thuộc TX.Phú Mỹ và thành lập TP.Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau buổi khảo sát, đoàn công tác đã kết luận thị xã Phú Mỹ hoàn thành đầu đủ các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Cụ thể, Thị xã Phú Mỹ đã đạt đủ 11/11 tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh. Đồng thời, ba xã Tân Hải, Tân Hòa và Tóc Tiên cũng đáp ứng 17/17 tiêu chuẩn để chuyển đổi thành phường
Với diện tích tự nhiên 333,84 km² và dân số khoảng 195.591 người, Phú Mỹ hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường và 5 xã. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 86,09%, phù hợp với các tiêu chí của đô thị loại II
Phú Mỹ được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép tại đây nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng nhanh
Việc nâng cấp Phú Mỹ lên thành phố dự kiến hoàn thành vào năm 2025, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tăng cường an ninh, quốc phòng trong khu vực
Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phú Mỹ sẽ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.
Phú Mỹ nằm ở phía tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có diện tích khảng 334ha. Thị xã nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60km, cách TP Vũng Tàu khoảng 40km và cách TP Bà Rịa khoảng 20km.
Không chỉ thừa hưởng vị trí liền kề với nhiều đô thị lớn, Phú Mỹ cũng hưởng lợi nhờ gắn liền với mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối rất đa dạng đã và đang được đầu tư.
Trong đó có nhiều tuyến giao thông liên vùng như quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường 911B, cầu Phước An nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai), đường Vành đai 4, hệ thống đường sông….
Dù không gắn trực tiếp song Phú Mỹ cũng có vị trí liền kề với nhiều hạ tầng giao thông quan trọng khác như Đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành....
Nhờ mạng lưới hạ tầng phát triển, lợi thế cảng biển nước sâu nên Phú Mỹ có bề dày lịch sử trong phát triển công nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến nay, địa phương này đã là “thủ phủ” công nghiệp của toàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay Phú Mỹ tập trung nhiều khu công nghiệp nặng và năng lượng lớn nhất ở địa phương, với 12 cụm - khu công nghiệp đang hoạt động có quy mô lên đến 5.000ha, chiếm tới gần 59% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh.
Những khu công nghiệp nổi bật ở Phú Mỹ gồm Phú Mỹ 1 (945,13 ha), Phú Mỹ 2 (620,6 ha), khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (1.050,81 ha), Cái Mép (670 ha), Mỹ Xuân A (302,4 ha)…
Các dự án FDI đổ vào các khu công nghiệp ở Phú Mỹ thường có số vốn đầu tư rất lớn hàng trăm triệu USD cho đến hàng tỉ USD. Chẳng hạn, Tập đoàn Hyosung Việt Nam có dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung đã đi vào hoạt động tại KCN Cái Mép với tổng số gần 1,4 tỉ USD.
Trong năm 2023, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc này tiếp tục bày tỏ mong muốn rót thêm gần 1 tỉ USD để đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi và vật liệu carbon tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Bất động sản đã lựa chọn Phú Mỹ để phát triển các dự án đồng thời thâu tóm quỹ đất cho những năm tới với rất nhiều hứa hẹn khi đô thị này chính thức trở thành thành phố cảng biển, công nghiệp đầu tiên của khu vực phía Nam.
Phong Vân