Trước tiên phải kể đến là phong trào thi đua phát triển kinh tế giúp nhau xóa nghèo trong toàn tổ chức hội. Theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đức Trọng, phong trào này đã được các hội viên thực hiện tốt, các tổ chức hội đã chú trọng động viên gia đình các hội viên vượt khó, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy các nguồn vốn để đầu tư vào chăn nuôi. Như nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hiện, Hội đang quản lý số vốn trên 40 tỷ đồng, với 34 tổ tiết kiệm, giải quyết cho 1.679 hội viên vay để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, các chi hội cũng tích cực triển khai phong trào xây dụng quỹ giúp nhau làm kinh tế, với tổng số quỹ trong toàn hội hiện có là 4 tỷ 115 triệu đồng, bình quân một hội viên là gần 1,5 triệu đồng; có một số chi hội tiêu biểu trong xây dựng quỹ hội tại các địa phương như thị trấn Liên Nghĩa, xã Hiệp Thạnh, Hiệp An, Liên Hiệp... đạt bình quân 2-4 triệu đồng/hội viên. Từ nguồn vốn này các hội viên đã giúp nhau vay để làm kinh tế, vượt lên thoát nghèo.
Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên là các thương, bệnh binh đã biết khắc phục những khó khăn để vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Cũng có hội viên mạnh dạn đứng ra thành lập hợp tác xã (HTX), là nơi tập hợp những cựu chiến binh để cùng nhau làm kinh tế giỏi và tìm đầu ra cho nông sản. Ông Phạm Ngọc Tổng (thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An) cho biết: “Với tâm niệm, cởi áo lính ra về với đời thường phải biết làm kinh tế, năm 2017, chúng tôi quyết định thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú. Các thành viên của HTX cũng là hội viên cựu chiến binh có đất, chịu khó học hỏi và làm ăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng tạo nhiều việc làm cho con em hội viên và quân nhân địa phương sau khi xuất ngũ”.
Trong chương trình xóa nghèo bằng nguồn tiết kiệm hưởng ứng của hội viên, từ năm 2014, Hội giao 16 con bò sinh sản cho 16 gia đình hội viên nghèo, cận nghèo với số tiền là 190 triệu đồng, đến nay, đàn bò sinh sản thêm, đưa tổng đàn bò lên 38 con.
Cũng theo Hội Cựu chiến binh huyện Đức Trọng, đời sống hội viên Hội Cựu chiến binh huyện trong những năm qua ngày càng được nâng cao, số hộ khá, giàu tăng, với 1.486/2.654 hộ, đạt 56%, hộ trung bình 1.210/2.654 hộ, chiếm 45,59%.
Bên cạnh phong trào trên, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cán bộ, hội viên đã hưởng ứng tham gia đóng góp gần 3 tỷ đồng và 2.084 ngày công, hiến 12.340 m2 đất; tháo dỡ hàng rào, cổng nhà và hoa màu trị giá 1,9 tỷ đồng để làm 10 km đường giao thông nông thôn, hội trường thôn và 6 km điện đường, cứng hóa 4 km kênh mương.
Nhiều tổ chức và cá nhân tiêu biểu trong phong trào này có thể kể ra như Hội Cựu chiến binh xã Hiệp Thạnh đóng góp xây dựng hội trường thôn và 3 km giao thông nông thôn, trị giá 500 triệu đồng; cán bộ, hội viên cựu chiến binh xã Ninh Gia ngoài việc đóng góp tiền làm đường còn tham gia 120 ngày công lao động để giúp các trường học của xã quét vôi và chỉnh trang khuôn viên của trường. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh của huyện đã cùng với Hội Cựu chiến binh xã Đa Quyn - là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Đức Trọng, vận động giúp đỡ các hộ dân của xã Đa Quyn chỉnh trang hàng rào, sân, vệ sinh môi trường; vận động các nhà hảo tâm làm 100 m đường bê tông tại thôn Klong Bong, xã Tà Năng trị giá 72 triệu đồng... Về cá nhân, có hội viên Phan Tấn Phúc (thôn Minh Hòa, xã Ninh Gia) bỏ 170 triệu đồng làm 3,5 km đường và san ủi 3 km đường giao thông nông thôn ở thôn Ninh Hòa; hội viên Trần Thành Công (xã Bình Thạnh) hiến 1.200 m2 đất... Những việc làm trên đã góp phần cùng chính quyền và Nhân dân trên địa bàn hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.