Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người chỉ rõ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó tập trung và nổi bật là: “Cần, kiệm, liêm, chính”. Người coi việc rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân nói riêng, cho cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước là công việc hết sức hệ trọng, phải làm thường xuyên, liên tục, đây không chỉ là “công việc của Đảng”, mà là công việc của mỗi người cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện.
Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hóa, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kì ở cương vị nào, bất kì làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Bác cũng thường nhắc nhở: Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, ra sức học tập, phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng. Nếu khi lợi ích của Đảng, của dân tộc và của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích của cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng. Người khẳng định: “Tiêu chuẩn số 1 của người cán bộ cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Như vậy, đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân là phải ra sức học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì Đảng, vì nhân dân mà chiến đấu quên mình, gương mẫu trong mọi công việc của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Muốn vậy, người cán bộ phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu là 3 thứ “giặc nội xâm”; đồng thời phải chống cả chủ nghĩa cá nhân, vì nó là nguồn gốc đẻ ra đủ loại tệ nạn, làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng. Theo Bác, cán bộ “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ. Phạm vào tham ô lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng”. Cho nên: “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Mặt khác, trong khi nhấn mạnh đạo đức là cái gốc của người cách mạng, Bác không coi nhẹ tài năng. Người chỉ rõ: “Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn”; “cán bộ ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành đó”. Cán bộ công tác trong các cơ quan Nhà nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân nói riêng đức và tài bao giờ cũng có mối quan hệ chặt chẽ, là tiêu chuẩn cơ bản của người cách mạng, nên không thể lấy ưu điểm để bù trừ cho khuyết điểm, lấy sự trung thành tận tuỵ thay cho năng lực quá yếu kém hoặc lấy tài năng để xóa lấp những vi phạm về phẩm chất đạo đức của mình.
Cần tiếp tục giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới; làm cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo đảm “Nâng cao ý thức tự bảo vệ, tự đề kháng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trước những âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó bảo đảm cho Quân đội ta vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.