Ngày 20-10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 5 đã diễn ra tại Singapore.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác gồm: Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị ADMM+ lần thứ 5.
Ngay sau lời phát biểu khai mạc ngắn gọn của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng, hội nghị đã nghe báo cáo về kết quả các cuộc họp của ADMM và thông qua chương trình nghị sự. Hội nghị cũng nghe báo cáo về hoạt động các nhóm chuyên gia của ADMM+ và báo cáo của Hội nghị ADSOM+ tháng 7-2018.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tại ADMM+ lần thứ 5.
Báo cáo của Phó tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn trình bày tại hội nghị về tình hình phát triển của ASEAN và những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy, các cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, ADMM, ADMM+ tiếp tục phát huy tác dụng, là yếu tố quan trọng để duy trì môi trường hòa bình trong khu vực.
Phó tổng thư ký ASEAN cho biết, vấn đề Biển Đông vẫn nằm ở mức ưu tiên cao trong chương trình nghị sự các cuộc họp của ASEAN trong năm qua. Điều đó có thể thấy được qua việc thông qua Khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và đang tiến hành đàm phán nội dung COC trên cơ sở dự thảo COC đơn nhất, cũng như cơ chế xây dựng lòng tin đối với các nước có liên quan để xử lý vấn đề khẩn cấp ở Biển Đông. Ngoài ra, các vấn đề như tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, an ninh mạng cũng nằm trong mối quan tâm của ASEAN.
Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị ADMM+ lần thứ 5 nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN; đánh giá cao hợp tác thực chất trong khuôn khổ ADMM+. Cơ chế hợp tác ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh, quốc phòng ở khu vực và trên thế giới. Các trưởng đoàn cũng trao đổi quan điểm về chống khủng bố và các biện pháp xây dựng lòng tin, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến những tiến triển gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, đại diện Singapore đã trình bày Tài liệu khái niệm “tự cường, ứng phó và phục hồi” (3R) về chống khủng bố. Các thách thức an ninh phi truyền thống khác như an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy cũng được đề cập tại hội nghị.
An ninh biển là một nội dung được thảo luận nhiều tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 5. Hội nghị ghi nhận nỗ lực của các thành viên ADMM+ trong việc thúc đẩy hợp tác thực tế về vấn đề an ninh biển. Tại hội nghị, nhiều nước nhấn mạnh đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong các tranh chấp trên biển, đồng thời bày tỏ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau khi ASEAN và Trung Quốc thống nhất được bản dự thảo duy nhất cho COC, nhằm xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 5, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhất trí với các ý kiến chia sẻ tại hội nghị về chống khủng bố và sự cần thiết phải triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng nguy cơ khủng bố quốc tế ngày càng hiện hữu ở nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề khủng bố đã vượt ra khỏi khả năng của các quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi phải có một giải pháp hợp tác toàn diện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và mở rộng hợp tác nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố và các hoạt động hỗ trợ khủng bố dưới mọi hình thức, giải quyết tận gốc sự phát sinh của chủ nghĩa khủng bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhận định, sự phụ thuộc và tương tác giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, việc xảy ra các bất đồng, tranh chấp là không tránh khỏi, đặt ra nhu cầu bức thiết phải đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin. Các nước ASEAN đã triển khai hiệu quả các biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý những nguy cơ có thể dẫn đến va chạm và xung đột thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, sử dụng đường dây liên lạc trực tiếp, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tiếp xúc bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Australia.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng, kết quả hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ, an ninh hàng hải, quân y, gìn giữ hòa bình, hành động mìn nhân đạo và an ninh mạng phản ánh nỗ lực hợp tác chung của ASEAN trong triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của đường dây liên lạc trực tiếp, Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển đối với tàu hải quân, Khung hướng dẫn về tránh va chạm bất ngờ trên không đối với máy bay quân sự, cho rằng đây là một bước phát triển mới trong xây dựng lòng tin giữa các bên trên biển, trong đó có Biển Đông.
Đề cập đến hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đến việc duy trì sự đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và trách nhiệm của các nước đối tác trong hợp tác quốc phòng với ASEAN. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ASEAN cần nâng cao hiệu quả hợp tác trong ADMM+, thông qua việc hình thành mạng lưới các trung tâm điều phối khu vực về 7 lĩnh vực hợp tác đang triển khai trong ADMM+.
Về an ninh biển, trong đó có vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định Việt Nam luôn luôn và thực sự mong muốn có một Biển Đông hòa bình, phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Việt Nam ủng hộ các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích của mỗi bên. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bày tỏ mong muốn các nước trong và ngoài khu vực thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, bày tỏ hy vọng các nước ASEAN và các nước đối tác ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò quan trọng này.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng thông báo chuyển giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ cho ngài Prawit Wongsuwan, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, nước sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2019. Tại lễ bàn giao, Trưởng đoàn Thái Lan đã thông báo kế hoạch cụ thể về các hội nghị quân sự-quốc phòng trong năm Chủ tịch ADMM, ADMM+. Việt Nam và các nước tham dự hội nghị đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ Thái Lan đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ADMM, ADMM+ trong năm 2019 và tin tưởng Thái Lan sẽ thực hiện tốt trọng trách của mình.
Hội nghị ADMM+ lần thứ 5 đã ra Tuyên bố chung Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ về phòng ngừa và đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và Tuyên bố chung Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ về các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất.
* Trước đó, sáng cùng ngày đã diễn ra cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Nhật Bản cũng mong muốn tận dụng các cơ hội hợp tác với ASEAN để đạt được hiệu quả nhất và trên cơ sở nhu cầu của từng bên. Việc hợp tác sẽ là dịp để hai bên học hỏi lẫn nhau. Nhật Bản cũng cam kết sẽ giúp ASEAN tăng cường năng lực, nhất là về công nghệ và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên cơ sở “Tầm nhìn Vientiane.”
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đánh giá cao ý nghĩa cuộc gặp, cho rằng đây là dịp để ASEAN và Nhật Bản trao đổi, tăng cường hiểu biết chung và nâng cao hợp tác quốc phòng hai bên. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khẳng định, quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua; đánh giá cao những hỗ trợ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực. Các bộ trưởng mong muốn, thông qua hợp tác, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.
Chia sẻ ý kiến tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng cần phải duy trì các cuộc tiếp xúc giữa ASEAN và Nhật Bản qua nhiều hình thức nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng một cách toàn diện giữa hai bên. Việt Nam tiếp tục khẳng định sự ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh, hòa bình, ổn định ở khu vực, đặc biệt trong triển khai Tài liệu “Tầm nhìn Vientiane”. Thông qua đó, hai bên có cơ hội để tăng cường hợp tác quốc phòng một cách toàn diện, đồng thời ASEAN có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực và khả năng hoạt động chung.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa và mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tin, ảnh: THU TRANG (từ Singapore)
Nguồn: qdnd.vn