Những ngày tháng Tư lịch sử, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 xúc động, tự hào được đón tiếp các đồng chí cựu chiến binh về thăm đơn vị. Đại tá Nguyễn Lương, còn gọi là Sáu Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, nguyên Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 14 vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển, trưởng thành của tiểu đoàn hôm nay.
Đại tá Nguyễn Lương, nguyên Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 14
Đại tá Nguyễn Lương kể lại quá trình chiến đấu của Tiểu đoàn 14 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Chiến sĩ thi đua của tiểu đoàn tại Đại hội chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ tỉnh Tây Ninh năm 1968
Để phá vỡ chiến thuật “nhả răng bừa” của địch, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã thực hiện phương châm “bám đất, bám dân và bám địch để đánh”. Chú Sáu Lương nhớ lại: “Các hầm bí mật được tiểu đoàn xây dựng thành thế liên hoàn chiến đấu, khi hầm này lộ, thì hầm khác bật nắp nhảy lên đánh giải vây. Mỗi hầm trú ẩn vừa là một công sự chiến đấu, vừa là hầm chông đánh địch. Khi bộ đội đến trú ẩn thì nhổ chông lên, khi đi thì cắm chông xuống và ngụy trang”.
Sau gần 2 năm bám trụ “Quyết tử giữ Gò Dầu”, Tiểu đoàn 14 cùng các đơn vị bạn và du kích đã tạo thế mới, lực mới cho địa phương. Phạm vi hoạt động của ta ngày càng mở rộng, địch bị bao bó trong đồn bót, không dám manh động. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 14 cũng chịu tổn thất không hề nhỏ: một phần ba quân số đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Ngày 28/12/1971, Đại đội 2 của tiểu đoàn vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang giải phóng.
Bước sang năm 1972, Tiểu đoàn 14 được bổ sung quân số, càng đánh càng mạnh, chiến công nối tiếp chiến công. Trong 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiểu đoàn đã tham gia 4 chiến dịch lớn, đánh trên 400 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục ngàn tên địch. Tiêu biểu như các trận đánh diệt gọn 2 đại đội lính viễn chinh Mỹ năm 1966, 1967; trận Ngã Bảy Cầu Sắt, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tháng 10/1972, xóa sổ 1 tiểu đoàn quân ngụy; trận tập kích đồn Đất Mọi cũng tại xã Thạnh Đức vào tháng 5/1973 đánh dấu sự trưởng thành về trình độ hiệp đồng tác chiến, bản lĩnh chỉ huy, kỹ - chiến thuật chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ ngày 26-30/4/1975, Tiểu đoàn 14 có nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị địa phương và quân chủ lực Miền giải phóng thị xã Tây Ninh, ngăn chặn địch từ Tây Ninh tháo chạy về Sài Gòn. Trực tiếp chỉ huy đơn vị trong trận quyết chiến chiến lược, chú Sáu Lương xúc động bồi hồi: “Đêm 29/4 tiểu đoàn hành quân tiến công đồn Quy Thiện. Đồn bị hạ, Đại đội 2 dừng chân chiếm lĩnh. Tiểu đoàn tiếp tục tiến công đánh địch ở chợ Long Hoa. Sau 20 phút chiến đấu, tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “mở cửa”, Ban chỉ huy tỉnh đội chỉ thị cho tiểu đoàn tiến thẳng vào tiểu khu Tây Ninh. Tên đại tá tỉnh trưởng Bùi Đức Tài xin đầu hàng. 13 giờ ngày 30/4, thị xã Tây Ninh được giải phóng”.
Thượng tá Hà Duy Cường, nguyên Trưởng ban Khoa học lịch sử quân sự Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, chủ biên cuốn sách Lịch sử Tiểu đoàn 14 khẳng định: “Bước vào giải phóng thị xã Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 12 tiểu đoàn tham gia, trong đó Tiểu đoàn 14 giữ vai trò chủ công, đánh vào trung tâm, yếu điểm của địch trong trận quyết chiến chiến lược. Tiểu đoàn 14 cũng là đơn vị cắm lá cờ đầu tiên - cờ Mặt trận dân tộc giải phóng lên nóc nhà dinh tỉnh trưởng Tây Ninh và tổ chức bảo vệ Nhân dân, chống đánh phá sau ngày 30/4/1975”.
Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn tiến vào giải phóng thị xã Tây Ninh trưa ngày 30/4/1975
Trên chặng đường dài 15 năm chiến đấu, máu và mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã đổ xuống: 648 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; 1.403 đồng chí bị thương tật. Ngay trong ngày chiến thắng 30/4 có 6 đồng chí hy sinh và 5 đồng chí bị thương, đã xây đắp nên truyền thống “trung dũng kiên cường, đánh nhanh diệt gọn, đi là đánh, đánh là thắng; tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, gắn bó máu thịt với dân, được nhân dân yêu mến, là bộ đội của dân, Bộ đội Cụ Hồ”.