(QK7 Online) - Được sống trong hòa bình, tự do không có nghĩa là chúng ta được phép quên đi những ký ức, năm tháng đi lên từ trong lửa đạn của dân tộc. Với mong muốn “không điều gì bị lãng quên, không ai bị lãng quên”, cựu chiến binh Trần Ngọc ở thành phố Tây Ninh cất công sưu tầm nhiều kỷ vật thời chiến. Đây là nơi tất cả mọi người có thể tới tham quan và được nghe những câu chuyện về chiến tranh, nghĩa tình đồng đội.
Những chiếc bi đông, ăng gô úa màu thời gian, những vỏ bom đã hoen gỉ, cũ kĩ, tất cả đều được cựu chiến binh Trần Ngọc lưu giữ như những kỷ vật vô giá. Bởi ở đó, ông được sống lại những năm tháng tuổi 20 đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, được cảm nhận như có đồng đội ở bên.

Cựu chiến binh Trần Ngọc giới thiệu quả bom nặng 750 bảng Anh với đồng đội.
Cựu chiến binh Trần Ngọc cho biết: “Tôi sưu tầm, lưu giữ các kỷ vật từ năm 1985 khi tham gia Mặt trận 479 thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Là người trực tiếp chiến đấu, đi qua khói lửa chiến tranh và chứng kiến những hy sinh của đồng đội, tôi có tâm nguyện phải cất giữ lại các kỉ vật để đưa về cho gia đình đồng đội”.
Hiện nay, ông Ngọc lưu giữ hơn 800 kỷ vật và được chia theo các chủ đề như: Dụng cụ hậu cần, kỹ thuật; vũ khí; phương tiện vận chuyển; âm thanh hình ảnh; huân huy chương các loại… Tất cả như một minh chứng sống về một thời mưa bom, bão đạn ác liệt, những hy sinh, mất mát mà dân tộc ta từng phải gánh chịu.

Cựu chiến binh Trần Ngọc lưu giữ những kỷ vật và xem đó là “tài sản” vô giá.
Ông Ngọc chia sẻ: “Khẩu đại liên K53 là kỉ vật tôi tâm đắc nhất trong bộ sưu tập của mình bởi đây là vật chứng, minh chứng cho tinh thần chiến đấu ngoan cường của đồng đội tôi trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia. Khi ấy tôi là Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 278, Trung đoàn Công binh 548, Mặt trận 479. Trong trận đánh với Pôn Pốt ở tỉnh Battamboong, đơn vị chúng tôi trực tiếp bảo vệ vị trí đóng quân, bảo đảm an toàn một nhà máy điện, một khu chợ lớn và thu được khẩu đại liên này. Chúng tôi dùng nó để trang bị cho vũ khí đơn vị tiếp tục chiến đấu”.
Gần 40 năm ròng rã tìm kiếm, với đồng lương hưu ít ỏi, cùng chiếc xe máy cũ, ông Ngọc rong ruổi khắp nơi từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, về lại chiến trường xưa, hay đến những vùng đất xa xôi. Mỗi kỉ vật không chỉ làm sống lại những ký ức năm xưa mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng khác. Đã có những cuộc gặp gỡ đầy xúc động và bất ngờ của những người đồng đội cũ, nay nhờ những kỷ vật mà được kết nối lại.

Cựu chiến binh Trần Ngọc nhận các kỉ vật của đồng đội gửi tặng.
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Phối, nguyên Trưởng Ban Công binh Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh cho biết: “Tôi và đồng chí Ngọc là đồng đội cũ, có thời gian công tác cùng nhau. Nay biết đồng chí Ngọc sưu tầm các kỉ vật trong thời chiến, tôi và đồng đội rất cảm phục, ủng hộ, tổ chức gặp mặt gửi tặng một số kỉ vật mà chúng tôi còn cất giữ. Bởi đây là một việc làm rất ý nghĩa, không những mất nhiều thời gian mà còn tốn kém công sức, tiền bạc”.
Với cựu chiến binh Trần Ngọc, việc tìm kiếm và gìn giữ những kỷ vật thời chiến không chỉ tri ân những đồng đội đã ngã xuống mà còn góp phần tiếp lửa truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn và truyền thống dân tộc mà không sách vở nào thay thế được. Bởi thời gian trôi đi khiến nhiều thứ bị quên lãng nhưng những kỉ vật, hiện vật chiến tranh sẽ còn mãi với thời gian, nó mang giá trị xác thực về lịch sử, là kho báu vô giá cho hôm nay và mai sau.
Quỳnh Nhi