CCB Trịnh Bá Uẩn sinh năm 1955 tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 2-1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết định thì chàng trai miền quan họ lên đường nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện tân binh tại Thanh Hóa, đơn vị anh hành quân vào chiến trường, vừa đi vừa bổ sung quân cho các đơn vị chiến đấu. Tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), anh được điều về tiểu đội trinh sát thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, tiếp tục hành quân vào chiến trường Đông Nam Bộ. “Trên đường đi, tin chiến thắng từ các chiến trường liên tiếp bay về khiến toàn đơn vị phấn chấn, nôn nao. Chúng tôi mong muốn hành quân thật nhanh để tham gia chiến đấu, kịp có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn”- CCB Trịnh Bá Uẩn bồi hồi nhớ lại.
Sau 1 tháng hành quân vừa đi bộ, vừa di chuyển bằng xe cơ giới. Sáng 29-4-1975, tân binh Trịnh Bá Uẩn cùng các đồng đội thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 tham gia trận đánh đầu tiên. Một trung đoàn địch phòng ngự tại chi khu Tân Uyên (Bình Dương) nhằm ngăn các mũi tiến công của ta về Sài Gòn theo đường 13. Mặc dù lực lượng, vũ khí, phương tiện quân địch rất đông do thất bại từ nhiều chiến trường tháo chạy dồn về đây nhưng đó chỉ là đám tàn quân rệu rã, mất hết ý chí chiến đấu nên sức kháng cự khá yếu ớt. Chỉ sau vài chục phút, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân ta, phòng tuyến địch tại chi khu Tân Uyên bị phá vỡ. CCB Trịnh Bá Uẩn cho biết: “Đánh xong trận Tân Uyên, đơn vị chúng tôi dừng chân lại trên một bãi đất trống cho đến hết ngày 29-4. Rạng sáng 30-4, chúng tôi tiếp tục hành quân tấn công địch theo đường 13 tiến về Sài Gòn. Khi tới cầu Bình Triệu gặp một lực lượng lớn địch phòng thủ tại đây nhằm tạo hàng rào trước cửa ngõ Sài Gòn. Tiểu đoàn 2 quyết định tập trung lực lượng xe tăng, thiết giáp, hỏa lực B40, B41 của bộ binh, tổ chức từng đợt xung phong đột kích thẳng vào đầu cầu. Mũi đột kích của Tiểu đoàn 2 vừa bắn vừa xông thẳng vào trận địa địch. Hỏa lực địch bắn trả dữ dội. Nhiều chiến sĩ ngã xuống nhưng những đợt xung phong phía sau lại ào lên khiến chúng không dám rời công sự. Phát hiện chỗ yếu của địch, các chiến sĩ bộ binh bí mật luồn sâu vào gần trận địa, bắn cháy 2 chiếc M48 án ngữ ngay đầu cầu. Tiếng súng của địch lặng đi đột ngột, chớp thời cơ này, xe tăng và bộ binh ta vọt lên đánh chiếm cầu. Điểm cố thủ cuối cùng của quân ngụy phía Bắc Sài Gòn bị nhổ. Gần 150 xe tăng, xe thiết giáp của địch được các chiến sĩ của ta nhanh chóng dồn lại trên bãi cỏ gần cầu Bình Triệu. Trung đoàn 48 dùng một số xe tăng, xe thiết của địch, bắt chúng lái dẫn đường tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu. Tổ chiến đấu của tôi gồm 3 chiến sĩ trinh sát cùng một số chiến sĩ bộ binh leo lên 1 chiếc xe tăng chiến lợi phẩm do chính 1 người lính ngụy đầu hàng cầm lái, chạy băng băng về hướng Bộ Tổng Tham mưu. Trên đường hành tiến, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài ổ kháng cự nhỏ của địch từ trong các con hẻm hoặc trên những nóc nhà cao bắn vào đội hình. Chúng tôi nhảy ra khỏi xe, nép vào hè phố, lợi dụng địa hình, địa vật đánh trả”.
Hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 48 tiếp tục ở lại bảo vệ các mục tiêu tại trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy khoảng 10 ngày sau đó mới rút về Thủ Đức tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng. Sau ngày giải phóng miền Nam, Trịnh Bá Uẩn tiếp tục công tác tại Sư đoàn 320B, tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia, rồi về học tập công tác tại Học viện Lục quân, làm giảng viên chiến thuật, biên tập viên rồi phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật-chiến dịch của học viện đến năm 2014 thì nghỉ hưu với quân hàm đại tá. 46 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng vẫn còn im đậm trong tâm trí ông như một trang sách mới. “Tổ trinh sát cắm cờ trên nóc Bộ Tổng Tham mưu ngụy cách đây 46 năm hiện vẫn còn khỏe mạnh. Anh Nguyễn Duy Đông hiện sống cùng gia đình ở Thái Thụy (Thái Bình), anh Đỗ Xuân Hương thì ở Phú Quốc còn tôi ở Đà Lạt. Chúng tôi vẫn thường xuyên giữ mối liên lạc, thỉnh thoảng gặp gỡ và cùng nhau sống lại ký ức một thời hoa lửa. Chúng tôi thấy thật vinh dự và may mắn khi được tham dự khoảnh khắc lịch sử ấy”- CCB, Đại tá Trịnh Bá Uẩn tự hào chia sẻ.