Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về cung ứng điện mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%.
Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 7% và với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%.
Theo Thủ tướng, để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải có chuẩn bị từ sớm, từ xa. Do đó, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện trong năm 2025.
Đến thời điểm này, việc cung ứng điện cho cả năm được đảm bảo, dù mức tiêu thụ tăng khoảng 11-13% so với năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025. Ảnh: VGP
Báo cáo của các bộ ngành cho thấy năm 2025, nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, tương ứng nguồn điện phải tăng thêm 2.200-2.500 MW công suất. "Đây không phải là vấn đề lớn", Thủ tướng nói, yêu cầu các bộ ngành có giải pháp cụ thể, dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025.
Thủ tướng nhắc lại năm 2023, tổng thể nguồn điện không thiếu song điều hành có hạn chế nên xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số thời điểm, một số nơi. Việc này gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân, uy tín với các nhà đầu tư.
“Việc bảo đảm đủ điện cũng quan trọng để thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam giải ngân 17 tỷ USD vốn FDI, cao nhất trong nhiều năm. Với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Để bảo đảm cung ứng đủ điện, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phải có chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các bộ ngành phải sớm thực hiện hiệu quả Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã được Chính phủ ban hành. Cùng đó, Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cũng phải ban hành trong ngày 19/10.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống. Trong đó đẩy mạnh khai thác than nội địa với kế hoạch dài hạn, đồng thời nghiên cứu việc nhập khẩu than từ Lào, giảm nhập khẩu từ các nguồn khác.
Thủ tướng cũng nhắc tới các biện pháp nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc. Theo đó, ngành điện phải đẩy tiến độ hoàn thành các đường dây tải điện từ hai nước ngày, gồm đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống.
Bộ Công Thương được giao tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và sửa đổi các thông tư liên quan. Việc sửa đổi theo hướng vừa quản chặt, nhưng vẫn tạo không gian phát triển, đổi mới sáng tạo, tăng phân cấp, quyền, xóa bỏ xin cho, giảm thủ tục hành chính cho ngành điện.
Với giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty căn cứ ước tính nhu cầu điện tăng khoảng 12-14% để xây dựng các kịch bản về nguồn, tải điện. Việc này nhằm mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong đó, lưu ý đa dạng, bảo đảm các nguồn điện nền, chuyển dần từ điện than sang sản xuất năng lượng sạch, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Cùng với đó, Việc Nam phải sớm hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, hệ thống tích điện, các dự án điện gió ngoài khơi.
Về thủy điện, Thủ tướng yêu cầu điều tiết các hồ chứa hài hòa nhu cầu tưới tiêu và bảo đảm phát điện cho cao điểm mùa khô tại miền Bắc.
Về điện khí, ông yêu cầu đón dòng khí đầu tiên từ dự án khí Lô B - Ô Môn vào cuối năm 2026. Cơ quan quản lý ngành điện có tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể để hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân. Các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII.
Thiên An