Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, nâng cấp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng lên tầm quốc tế tương đương với một số hệ sinh thái dổi mới sáng tạo lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Đẩy mạnh thu hút, phát triển mạng lưới chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, mũi nhọn của thành phố. Tăng hai lần số chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với năm 2025.
Hỗ trợ phát triển ít nhất 200 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 100 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng hai lần số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án khởi nghiệp sáng tạo được nuôi dưỡng tại các vườn ươm và số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án khởi nghiệp sáng tạo thành lập, hoạt động tại thành phố Đà Nẵng so với năm 2025.
Tăng hai lần số lượng doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới và hàng đầu trong nước đến đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại thành phố Đà Nẵng so với năm 2025.
Vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng tăng thêm khoảng từ 6 đến 7 nghìn tỷ đồng so với năm 2025. Hỗ trợ tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp, áp dụng công nghệ mới (nhất là các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0) và số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo (cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất, quy trình quản trị) so với năm 2025.
Khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; thu hút thêm được 3 - 5 quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại thành phố Đà Nẵng. Khuyến khích trên 90% cán bộ, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng giảng dạy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo có nhu cầu đào tạo, huấn luyện được tham gia đào tạo, huấn luyện ít nhất 01 lượt.
Khuyến khích trên 50% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia đào tạo về khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. 100% các dự án khởi nghiệp có cơ hội được đào tạo trong các khóa học về khởi nghiệp sáng tạo; từng bước đưa giáo dục khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đến các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Về phát triển tài sản trí tuệ, số lượng đơn đăng ký, văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng tiếp tục gia tăng (giai đoạn 2025 - 2030 số lượng đơn, văn bằng tăng khoảng 1,5 lần so với giai đoạn 2021 - 2025). Trong đó số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10%/năm.
Trên 90% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, làng nghề được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch.
Tăng cường các hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ; tăng tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm có chứa địa danh, dấu hiệu biểu trưng, lợi thế của thành phố.
Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt ít nhất 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hình thành nền kinh tế số đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho các hoạt động kinh tế, đổi mới sáng tạo của thành phố. Có ít nhất 10 sản phẩm số được ứng dụng cho phát triển kinh tế địa phương. Hình thành các trung tâm, mạng lưới thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu Netzero.
Hình thành trung tâm khoa học dữ liệu cấp quốc gia, trung tâm huấn luyện, thử nghiệm và sản xuất trí tuệ nhân tạo (AI) cấp quốc gia, trung tâm tính toán hiệu suất cao ứng dụng siêu máy tính hoặc máy tính lượng tử. Cung cấp trên 70% sản phẩm AI phục vụ cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố.
Các lĩnh vực ưu tiên tập trung khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh; Công nghệ sinh học và y tế, Kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển và dịch vụ logistics; Du lịch thông minh; Công nghiệp sáng tạo.
Lê Lê