(QK7 Online) - Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, nhiều Cựu chiến binh (CCB) là thương binh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, quyết tâm vượt đói nghèo, trở thành những điển hình tiêu biểu, luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”.
Trong thời gian chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng chí Lương Văn Xuân trải qua nhiều trận đánh vào sinh ra tử, bị thương nhiều lần, lập được nhiều chiến công, được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường. Trở về địa phương tại ấp 1, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Anh hùng LLVT Nhân dân Lương Văn Xuân nỗ lực lao động, sản xuất biến 7 sào rẫy khô cằn trở thành khu vườn, ao, chuồng cho thu nhập 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm; giúp giải quyết việc làm ổn định cho nhiều con, cháu CCB trên địa bàn. Ông trở thành điển hình, luôn tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu gương trên mặt trận mới, là một trong 6 điển hình tiêu biểu tỉnh Đồng Nai tham dự hội nghị gặp mặt và biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân (giữa) nói chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Nhắc đến thương binh 3/4 Đoàn Trung Ngọc, ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nhiều người biết đến với mô hình Khu kinh tế dịch vụ trang trại du lịch. Ông là gương điển hình về CCB, thương binh “tàn nhưng không phế”. Từ mô hình này, mỗi năm thương binh Đoàn Trung Ngọc thu về lợi nhuận bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Mô hình kinh tế của gia đình đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng và khi vào thời vụ giúp hàng chục lao động là con, cháu CCB thêm việc làm, thu nhập. Không chỉ làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động, ông Ngọc còn là điển hình tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội CCB ấp Hưng Bình và Hội CCB xã Hưng Thịnh. Trung bình mỗi năm gia đình ông đã ủng hộ hàng chục triệu đồng cho hoạt động nghĩa tình đồng đội, xã hội thiện nguyện và tham gia tích cực đưa xã Hưng Thịnh về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ.
Thương binh Đoàn Trung Ngọc (ngồi) hướng dẫn đại biểu tham quan mô hình kinh tế của gia đình.
Thương binh 4/4 Lâm Cảnh Cần, ở ấp Võ Dõng 2, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, bị thương 7 lần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mất hơn 21% sức khỏe, nhưng vẫn nỗ lực không ngừng trong cuộc sống. “7 lần bị thương, hiện còn mảnh đạn găm trên cơ thể hành mỗi lúc trái gió, trở trời. Nhưng không vì thế mà mình chùn bước, phải vươn lên, nỗ lực để sống xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh”, ông Cần bộc bạch. Tuy mất sức lao động, bị thương tật nhưng ông và gia đình vẫn duy trì luyện tập thể thao, chăm sóc vườn cây cảnh, chăm chỉ lao động, làm rẫy để vừa có sức khỏe vừa tạo lập cuộc sống đầy đủ.
Đồng chí Huỳnh Công Phúc, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tổng số cán bộ, hội viên CCB là thương binh của tỉnh có 3.490 người. Các đồng chí là những người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khi trở về cuộc sống đều phát huy tốt bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới, góp sức tích cực vào xây dựng quê hương.
Thạch Hà