Vị tướng trận mạc cho biết: "Lúc đó, tôi là Chính trị viên tiểu đoàn thuộc LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công địch ngay từ những trận đánh đầu tiên.
Ấp chiến lược Bình Giã (nay thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là ấp chiến lược kiểu mẫu, được phòng thủ kiên cố, vững chắc của địch trên chiến trường miền Nam. Đêm 30-11-1964, các đơn vị chủ lực của ta đã vào khu vực tập kết trên địa bàn chi khu Đức Thạnh, xung quanh ấp chiến lược Bình Giã, sẵn sàng chiến đấu. Rạng sáng 2-12, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho pháo binh tập kích hỏa lực vào chi khu, mở màn Chiến dịch Bình Giã. Đại đội 445 LLVT địa phương phối hợp với dân quân, du kích đánh vào ấp chiến lược, chiếm được 2/3 ấp nhưng đến sáng địch dùng máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu yểm trợ đổ tiểu đoàn 38 biệt động quân xuống giải vây. Do quá chênh lệch lực lượng nên Đại đội 445 phải rút khỏi trận địa. Đêm 7-12, ta tăng cường lực lượng tiến công ấp Bình Giã lần thứ hai. Trước giờ xuất phát, các đơn vị được thông báo, tại huyện Long Đất, dân quân, du kích các xã Long Hội, Phước Hải liên tiếp bao vây đồn, bốt địch, cùng nhân dân nổi dậy làm chủ được 3 ấp. Bởi vậy, tinh thần bộ đội lên cao ngùn ngụt.
Lần tiến công thứ hai vào Bình Giã, quân ta áp dụng nghệ thuật “điệu hổ ly sơn”, đánh “khơi ngòi” nhử địch đổ quân để tiêu diệt các chiến đoàn chủ lực của chúng đến cứu viện, giải tỏa. LLVT địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức các đợt tiến công uy hiếp tinh thần quân địch trong ấp chiến lược. Sau nhiều ngày tiến công bằng các trận đánh nhỏ lẻ, tiểu đoàn 38 biệt động quân của địch bị lộ đội hình. Dựa vào đó, ta lên kế hoạch tiến công tiêu diệt địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch...".
Kết thúc buổi nói chuyện với học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh tâm sự: "Các cháu là học viên đào tạo sĩ quan, sau này trên cương vị chỉ huy, phải làm tốt công tác phối hợp với LLVT địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu, cả tiến công và phòng ngự. Cho nên, ngay từ bây giờ, các cháu phải tích cực học tập, làm tốt công tác dân vận để xây dựng cơ sở, tăng cường đoàn kết, gắn bó quân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân, phát huy hiệu quả chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc".
Với kinh nghiệm thực tiễn trận mạc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh tích cực tham gia “truyền lửa” cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Những buổi nói chuyện của ông về lịch sử, truyền thống, LLVT cách mạng luôn tràn đầy nhiệt huyết, góp phần bồi đắp chủ nghĩa yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ...