Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Chúng tôi trở lại thăm vườn lan của thương binh Nguyễn Văn Cu Em (thường gọi là Sáu Em) ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Vườn lan vẫn phát triển xanh tốt, những cánh hoa rực rỡ trong nắng xuân, là thành quả đáng tự hào sau gần 10 năm chú Sáu Em chuyển sang trồng lan.
Bước từng bước khập khiễng bởi một chân của chú đã để lại chiến trường, chú Sáu Em đến từng gốc lan, quan sát từng chiếc lá, thân, rễ. Vườn lan của chú được thiết kế thành từng luống, bên trong bỏ vỏ lạc để cung cấp dưỡng chất, giúp hoa lan sớm thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng. Hoa lan sau 6 tháng xuống giống đã có thể cắt cành, bán hoa ra thị trường. Để tiết giảm chi phí nuôi trồng, giảm công chăm sóc, vườn lan của chú còn áp dụng hệ thống tưới phun bán tự động. Chú cho biết: “Trồng và chăm sóc lan Mokara không khó nhưng đòi hỏi người trồng phải có niềm say mê, cần cù và áp dụng đúng các yêu cầu kỹ thuật. Lan cho hoa quanh năm, mỗi cây trổ 2 - 3 vòi hoa/đợt, khi hoa bung cánh là có thể cắt bán”.
Với ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, thương binh Nguyễn Văn Cu Em đã luôn nỗ lực lao động sản xuất. Từ hai bàn tay trắng, chú đã vươn lên, có cuộc sống tốt hơn, được Hội Cựu chiến binh TP.Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và danh hiệu “Cựu chiến binh sản xuất - kinh doanh giỏi”. Chú Sáu chia sẻ: “Tôi luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, dù chỉ còn một chân, đi lại có khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn lạc quan, cùng vợ nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất, đảm bảo cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá”.
Ở ấp Trung, ngoài mô hình trồng lan Mokara cắt cành của thương binh Nguyễn Văn Cu Em, còn nhiều vườn lan của các cựu chiến binh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như trường hợp của chú Mai Văn Cỡ ở tổ 2 ấp Trung, năm 2006 được Trung tâm khuyến nông huyện hỗ trợ con giống, kỹ thuật trồng lan, chú đã phát triển 4.000 gốc lan Mokara và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng lan để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chú Phạm Minh Ngọc cho biết, hiện tổ cựu chiến binh ấp Trung (xã Tân Thông Hội) có hơn 20 hội viên, mỗi người góp nhau khoảng 50.000 đồng/người/tháng, để tạo nguồn vốn nhỏ cho gia đình cựu chiến binh nào gặp khó khăn. Nguồn vốn tuy nhỏ nhưng là cái tình của những người lính để giúp nhau trong chuyện làm ăn, trồng trọt, xây sửa nhà cửa. Nhờ đó, cuộc sống của các cựu chiến binh khấm khá hơn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Củ Chi ngày càng khởi sắc.