“Từ điển lịch sử quân sự tỉnh Bình Thuận” có tổng cộng 910 mục từ, mỗi mục từ có dung lượng 150 đến 500 từ, giúp bạn đọc tra cứu các nội dung về quân sự của tỉnh Bình Thuận từ năm 1930 đến năm 2018, trên các lĩnh vực: địa danh quân sự, tổ chức quân sự, sự kiện quân sự và nhân vật quân sự.
Trên lĩnh vực địa danh quân sự giới thiệu những địa danh tiêu biểu, nơi ghi dấu các sự kiện quân sự đã trở thành tên của sự kiện hoặc chứa đựng những thông tin cơ bản về sự kiện quân sự đó như: ấp Bàu Mận, Cầu Quẹo, ấp Chăm, Bàu Thiêu, Bàu Trắng, nhà hàng Liên Thành, nhà hàng Séréni…
Lĩnh vực tổ chức quân sự giới thiệu những đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; những đơn vị từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên, kể cả đơn vị đã giải thể và Từ điển mở rộng phạm vi từ mục đến cấp đại đội trực thuộc tỉnh.
Lĩnh vực sự kiện quân sự giới thiệu những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu (kể cả thành công và không thành công) từ năm 1945 đến năm 1989; những sự kiện đánh dấu mốc phát triển của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật qua các thời kỳ lịch sử.
Lĩnh vực Nhân vật quân sự giới thiệu những người giữ trách nhiệm từ Tỉnh đội phó (Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), Chính trị viên phó (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) trở lên; Bí thư Tỉnh ủy (thường giữ trách nhiệm Chính trị viên Tỉnh đội, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh) qua các thời kỳ. Từ điển cũng giới thiệu các cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Nguyễn Hội, Trương Văn Ly, Nguyễn Thanh Mận…
“Từ điển lịch sử quân sự tỉnh Bình Thuận” thực sự là một công trình mang nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rõ thêm về những tên đất, tên làng, nhân vật, tinh thần chiến đấu kiên trung, gan dạ, sáng tạo của quân và dân tỉnh nhà trong kháng chiến; là cuốn tư liệu, cẩm nang cho thế hệ hôm nay và mai sau nghiên cứu, tìm hiểu, tự hào về quê hương, tự hào về truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Thuận giàu về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.