Tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc
Khác với những ngày thường, buổi tuần tra của các chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập hôm nay có sự tham gia của phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập. Họ là những thành viên “Mô hình phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ biên giới” do Đồn biên phòng Bù Gia Mập phối hợp Hội LHPN xã Bù Gia Mập thành lập năm 2018. Định kỳ hằng tháng, các thành viên tự nguyện thay phiên nhau phối hợp với các chiến sĩ tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, tham gia phối hợp phát quang bụi rậm tại khu vực vành đai biên giới.
Chị Điểu Thị Chôm ở thôn Bù Dốt cho biết: Thôn có 172 hộ/703 người, trong đó 80% là đồng bào DTTS. Thời điểm này đang vào vụ chính cà phê, dù bận rộn nhưng chúng tôi vẫn sắp xếp để tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Chúng tôi xác định mình sinh sống ở khu vực biên giới, nơi tiếp giáp nước bạn Campuchia nên mong muốn đóng góp công sức tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Huyện Bù Gia Mập có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia với chiều dài hơn 64km. Nhằm phát huy sức mạnh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, năm 2018, Hội LHPN huyện phối hợp Đồn biên phòng Bù Gia Mập, Đồn biên phòng Đắc Ơ thành lập 2 mô hình “Phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ biên giới” với 55 thành viên, đa phần chị em là người DTTS.
Đại úy Bùi Quang Hòa, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Bù Gia Mập chia sẻ: Với đặc thù xã Bù Gia Mập hiện nay có trên 70% số dân là người dân tộc bản địa Mơnông, S’tiêng, đời sống cũng như trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Ngoài phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, trong các buổi sinh hoạt định kỳ hằng quý, cán bộ đồn còn thông tin thêm cho các chị em về tình hình an ninh trên tuyến biên giới. Đồng thời, đồn lồng ghép tuyên truyền các quy định, quy chế về biên giới giúp chị em nắm rõ để vận động người thân, hàng xóm chấp hành nghiêm Luật Biên giới quốc gia; không xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép; tích cực tham gia phát quang đường tuần tra, khu vực cột mốc; tham gia tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Nhiều năm nay, gia đình chị Thị Thân ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập sinh sống trong căn nhà tạm, vách thưng bằng những tấm gỗ đơn sơ. Ít đất sản xuất, vợ chồng không có việc làm ổn định, lại đang nuôi con nhỏ đang tuổi ăn học được cho là nguyên nhân dẫn đến cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng gia đình chị. Năm 2018, từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị được Hội LHPN huyện phối hợp Đồn biên phòng Bù Gia Mập hỗ trợ 60 triệu đồng. Từ kinh phí này cùng sự hỗ trợ ngày công của người thân và bà con trong thôn, gia đình chị đã xây được căn nhà kiên cố. Đầu năm 2019, chị còn được hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản; đến nay, bò phát triển tốt. Ngoài ra, chị còn tham gia mô hình “Phụ nữ người Kinh giúp phụ nữ đồng bào DTTS phát triển kinh tế”. Từ chỗ chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày, giờ đây chị đã biết cải tạo chăm sóc cây điều, trồng rau, nuôi gà, chăn nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Vũ Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bù Gia Mập
Hộ chị Thị Thân chỉ là 1 trong hàng chục gia đình phụ nữ vùng biên giới Bù Gia Mập được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” vận động các nguồn lực với số tiền hàng tỷ đồng để tặng quà, hỗ trợ sinh kế, nhà tình thương, các thiết bị nghe, nhìn. Điển hình như chương trình đã vận động Câu lạc bộ The Light tại TP. Hồ Chí Minh và dự án The Light thuộc Ngân hàng An Bình Hà Nội trao tặng 100 trụ đèn đường, 100 đèn cầm tay, 5 tivi, 19 máy năng lượng mặt trời với trị giá gần 500 triệu đồng; phối hợp với hội chữ thập đỏ trao tặng 17 cặp dê giống, 6 con bò sinh sản cho hội viên phụ nữ khó khăn tại 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ… Các cấp hội phụ nữ trong huyện còn chủ động mở lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng nấm, chăm sóc vườn điều, kỹ thuật cạo mủ sao su nhằm giải quyết việc làm cho chị em; tổ chức xây dựng 3 mô hình “Phụ nữ người Kinh giúp phụ nữ đồng bào DTTS phát triển kinh tế” với 25 thành viên tham gia.