(QK7 Online) - Đồng chí Bùi Thanh Vân, sinh tháng 3-1927, tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (nay là phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), tỉnh Tây Ninh. Xuất thân trong một gia đình công nhân, năm 13 tuổi đồng chí phải thoát ly gia đình đi làm công nhân cao su cho Sở cao su tại huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Trải qua thực tế cùng cực của người công nhân cao su, nhận thấy sự bóc lột tận cùng sức người lao động của giới chủ đồn điền, được giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tích cực tham gia các cuộc đình công của công nhân, đòi giới chủ tăng lương, giảm giờ làm.
Trung tướng Bùi Thanh Vân
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí tham gia Đội vệ binh cảm tử của Mặt trận Quốc lộ 1 (Nam Bộ). Từ năm 1946 đến năm 1954, đồng chí lần lượt được giao các chức vụ: Chính trị viên Ban Tình báo, Trưởng ban Trinh sát Chi đội 12, Trung đội trưởng biệt động, Chỉ huy phó Đại đội 2761 Bộ đội địa phương Hóc Môn - Gia Định, Cán sự Tham mưu tỉnh Gia Định - Ninh, Chỉ huy phó bộ đội địa phương huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Chiến công tiêu diệt hoàn toàn một trung đội địch tại vị trí Suối Đá, tỉnh Tây Ninh là khởi đầu cho hàng loạt những chiến công của đồng chí khi đảm trách vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Tháng 9-1948, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 11-1954, sau khi tập kết ra miền Bắc, đồng chí được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Từ năm 1956 đến năm 1960, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Đại đội phó, Đại đội trưởng Đại đội 6; Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 656, Sư đoàn 338. Năm 1961, đồng chí cùng đồng đội nhận lệnh vượt Trường Sơn trở về miền Nam chiến đấu, lần lượt được giao các chức vụ: Tiểu đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. Từ năm 1968 đến năm 1973, đồng chí làm Tham mưu phó, Tham mưu trưởng, Tư lệnh phó Sư đoàn bộ binh 5; Tư lệnh phó Quân khu 8. Năm 1974, đồng chí là Tư lệnh phó Đoàn 232 (Miền).
Sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 (1975-1977). Năm 1978, đồng chí là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh. Năm 1979, đồng chí làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 7 kiêm Tư lệnh Mặt trận 479. Những năm từ 1980 đến 1988, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 7.
Năm 1989, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu 7 (1989-1994). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6-1991), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII, được chỉ định làm Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1980, Trung tướng năm 1988.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), đồng chí hoạt động, chiến đấu liên tục ở chiến trường miền Nam đầy khó khăn, gian khổ, tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Bến Cát (7-10-1950 - 15-11-1950); cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968); Chiến dịch Nguyễn Huệ (1-4-1972 - 19-1-1973) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26-4-1975 - 30-4-1975).
Gần 50 năm liên tục chiến đấu và công tác, từ một công nhân cao su, một chiến sĩ cầm súng đối mặt với kẻ thù, cùng với sự trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đồng chí đã từng bước vươn lên là cán bộ trung đội, đại đội chiến đấu du kích, rồi chỉ huy trung đoàn, sư đoàn đánh hiệp đồng binh chủng. Từ người lính lăn lộn trong phong trào chiến tranh du kích ở các địa phương, đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp trong Quân đội. Khi công tác, sinh hoạt thường nhật, đồng chí thường tâm sự với anh em, đồng đội: “Nếu không có cách mạng, không có Đảng Cộng sản thì tôi mãi mãi là người dưới đáy xã hội…, có Đảng, đất nước mới được độc lập, nhân dân mới có điều kiện để xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Vì vậy, tôi cùng với lực lượng vũ trang Quân khu kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Thấy sai tôi phải nói, phải đấu tranh, có ai dọa dẫm tôi, tôi cũng phải nói, anh em nào đó bây giờ giận mình, khi lời thật mất lòng, sau này sẽ thương mình”.
“Chất lính, chất lính chiến” trong đồng chí Bùi Thanh Vân được hun đúc từ cuộc đời gắn bó với Quân đội, cách mạng, đã tỏa sáng ở phong cách sống, phong cách lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí. Đồng chí là một người “lính chiến có góc cạnh” nên không phải mọi người đều hiểu đúng, hiểu ngay khi mới tiếp xúc. Được trui rèn trong thực tế chiến đấu, một sự lơi lỏng, chậm trễ đều dẫn đến thất bại, tổn thất, điều đó đã tạo cho đồng chí thói quen đầy nhiệt huyết, quyết liệt trong phát biểu, trong triển khai thực hiện kế hoạch. Nhận xét, ý kiến gay gắt với lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương về các mặt công tác, nhưng khi nhận thấy có ý kiến nhận xét của mình chưa phù hợp, đồng chí thẳng thắn nhận lỗi. Với kinh nghiệm của mình, đồng chí đã cùng vớ tập thể Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và các đảng bộ địa phương xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong toàn Quân khu ngày càng trưởng thành, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, quân sự được giao.
Nói đi đôi với làm, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 7, đồng chí đã bàn bạc, chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu tìm phương án may cho sĩ quan những bộ quân phục tốt, bàn với các cơ quan Quân khu khi đi kiểm tra đơn vị huấn luyện tân binh cần phải lo cho tân binh có bàn ăn, có giếng nước. Từ nguồn kinh phí giúp đỡ của chính quyền địa phương và số kinh phí có được do các đơn vị làm kinh tế của Quân khu nộp về, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu hỗ trợ kinh phí cho từng trung đoàn, từng sư đoàn xây dựng doanh trại khang trang. Hiểu được tâm tư, tình cảm của cán bộ cấp dưới, đi đôi với việc duy trì nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ luật Quân đội, đồng chí đề xuất với Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu những vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến cán bộ một cách có lý, có tình để xử lý đúng mức các vấn đề kỷ luật cán bộ.
Khi làm nhiệm vụ trong nước cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, đồng chí luôn thể hiện tốt phẩm chất cao quý của người đảng viên Cộng sản, người cán bộ Quân đội dũng cảm, mưu trí, bản lĩnh, đã làm được nhiều việc cho đơn vị, cho cán bộ thuộc quyền, cho công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền an ninh - quốc phòng trên địa bàn Quân khu. Tháng 8-1994, Trung tướng Bùi Thanh Vân đột ngột từ trần khi đang đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân khu 7.
Trong quá trình chiến đấu, công tác, đồng chí Bùi Thanh Vân đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng... Tại quê hương đồng chí, huyện Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh có một con đường mang tên Bùi Thanh Vân.
Hà Vi
Trích sách Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945-2020), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2021