![](/fileman/Uploads/tbNews/22595/thumb/761-09-copy.jpg)
tại Sư đoàn 5. Ảnh: Tuấn Anh.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền giao cho trong 2 đợt hoạt động mùa khô 1974-1975, LLVT Quân khu bước vào trận mới, khí thế mãnh liệt chưa từng có. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Cùng với các quân đoàn chủ lực và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định, trên các hướng, LLVT Quân khu 7 đồng loạt tiến công các mục tiêu được qui định. Hầu như trên tất cả các đường tiến quân của bộ đội chủ lực ở Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành… đều có Nhân dân địa phương phối hợp chiến đấu tiêu diệt địch; tự giải phóng địa phương với tinh thần huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã, ấp giải phóng ấp.
Trong đội hình Quân đoàn 4, từ ngày 27 đến 30/4/1975, Sư đoàn 6, Quân khu 7 chiến đấu kiên cường, hoàn thành nhiệm vụ đột kích đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thị xã Biên Hòa như: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 không quân, sân bay Biên Hòa; tạo và giữ bàn đạp cho Quân đoàn 4 tiến vào nội đô Sài Gòn. LLVT Sài Gòn-Gia Định phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, đặc công, biệt động đánh chiếm các mục tiêu trên các hướng vùng ven Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi giải phóng hoàn toàn địa bàn Bà Rịa, chiều 28/4/1975, ngư dân các xã Long Hương, Phước Lễ, Phước Tĩnh được lệnh huy động toàn bộ số ghe hiện có, đưa bộ đội qua sông, tiến công và giải phóng Vũng Tàu.
Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Thắng lợi vĩ đại đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá, in đậm trong lịch sử như những dấu son chói lọi về một thời kì oanh liệt của LLVT Quân khu 7, đó là:
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thường xuyên làm tốt việc giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.
Cuối năm 1974, thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra nhiệm vụ mùa khô 1974-1975 cho các LLVT trên Mặt trận hướng Đông Nam: đẩy lùi đánh bại âm mưu bình định giành dân của địch, giành quyền làm chủ, giành lại vùng địch lấn chiếm, mở khu lòng chảo Nhơn Trạch; ngăn chặn đẩy lùi âm mưu ủi phá của địch ở phía Đông Phước Thái, xây dựng căn cứ khu lòng chảo, tạo thế đứng chân vững chắc; thọc sâu tiến công vùng sâu yếu của địch, uy hiếp phía Đông Nam Sài Gòn, sông Lòng Tàu và kho thành Tuy Hạ. Trong quá trình tổng tiến công, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cao cho bộ đội được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, chỉ huy các cấp hết sức coi trọng và đặt lên hàng đầu. Trước mỗi chiến dịch quan trọng, cấp ủy, chỉ huy luôn quán triệt tình hình, nhiệm vụ, quyết tâm chiến lược của Đảng, ý nghĩa, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị; giáo dục cho bộ đội nhận rõ thuận lợi và khó khăn của từng trận đánh. Nhiều đơn vị khi tham gia chiến dịch, quân số còn thiếu, phải cơ động xa, mang vác nặng, địa hình tác chiến khó khăn… nhưng khí thế hết sức sôi nổi, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối cách mạng của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam vào thực tế chiến trường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và chỉ huy các cấp đã vận dụng nhuần nhuyễn việc kết hợp giữa bộ đội chủ lực với lực lượng địa phương, dân quân du kích; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân đánh bại các kế hoạch bình định, lập ấp chiến lược của địch. Đồng thời, xác định tính chất vị trí chiến lược của địa bàn, LLVT Quân khu 7 đã sử dụng hình thức đấu tranh thích hợp với từng vùng đô thị, rừng núi đồng bằng và đô thị.
Để hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất, ít tổn thất cho ta, trước khi bước vào chiến dịch, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các LLVT tập trung chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các khâu, cho chủ lực tiến công các mục tiêu. Ngày 27/4/1975, Sư đoàn 304 đánh chiếm khu căn cứ Nước Trong. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng Nhân dân, du kích các xã Long Tân, Tam Phước, An Hòa, Long Hưng đồng loạt nổ súng tiến công địch, giải phóng xã. Cùng ngày, quân và dân Long Thành phối hợp với Sư đoàn 325 làm chủ thị trấn Long Thành. Tuyến phòng ngự Đông Nam Sài Gòn của địch bị phá vỡ một khâu quan trọng.
Thứ ba, xây dựng, củng cố căn cứ địa cách mạng, hậu phương vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ lực giành thắng lợi quyết định.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ được mở rộng thành khu A với những tuyến đường giao liên nối liền với Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Bắc Tây Ninh) không chỉ là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, các cơ quan kháng chiến của khu và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mà còn là nơi luyện quân, huấn luyện cán bộ; sản xuất vũ khí, lương thực, đáp ứng một phần quan trọng cho nhu cầu kháng chiến. Tuy nhiên, quan trọng hơn, trong các giai đoạn kháng chiến, đặc biệt là giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, các cấp chỉ huy Quân khu 7 luôn xác định “căn cứ lòng dân” mới là hậu phương cơ bản nhất. Trên cơ sở xây dựng các chi bộ bí mật trong vùng địch tạm chiếm, với những đoàn thể cách mạng kháng chiến như Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ… đội ngũ đảng viên, cán bộ, cơ sở cách mạng đã hình thành được những lõm chính trị, căn cứ bí mật có đủ bản lĩnh và tin cậy giúp cán bộ, chiến sĩ ta bám trụ, hoạt động công khai trong lòng địch.
Thứ tư, tăng cường huấn luyện cả ba thứ quân, bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần - kỹ thuật tại chỗ, góp phần làm nên chiến thắng.
Trước thực trạng năm 1974, các đơn vị, địa phương vẫn còn yếu về chiến thuật đánh địch trong công sự, hiệu quả các chiến dịch, trận đánh chưa đạt yêu cầu dự kiến. Từ tháng 1 đến 3/1975, Quân khu 7 vừa tác chiến theo yêu cầu, vừa mở thêm hàng chục lớp huấn luyện, tập trung vào chiến thuật đánh địch phòng ngự trong công sự. Công tác huấn luyện đã góp phần quan trọng nâng cao khả năng tác chiến, tạo ra sự chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng, xây dựng lòng tin vào khả năng tiêu diệt các căn cứ và đồn bót địch của cả bộ đội chủ lực và LLVT địa phương.
Về hậu cần - kỹ thuật, Quân khu tiến hành điều nghiên, lên kế hoạch từ sớm ở tất cả các khu vực hoạt động trọng điểm. Trên hướng Đông Nam, LLVT tại các địa phương tập trung dự trữ lương thực thực phẩm, chuẩn bị địa bàn cho chủ lực tiến công các mục tiêu. Hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch huy động dự trữ được 128 tấn lương thực. Huyện Long Thành huy động được gần 100 dân công của các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An tham gia sửa đường 10, đường 15B, cho xe tăng của Quân đoàn 2 tiến về căn cứ Nước Trong…
46 năm đã qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 lùi xa, nhưng những bài học về sự kiên định theo đường lối của Đảng, về công tác giáo dục chính trị và dân vận, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân - dân, về bảo đảm hậu cần-kỹ thuật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những bài học quý báu để LLVT Quân khu 7 vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, tiến hành chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Không có cơ sở vững mạnh thì không thể có sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân.
Việc xây dựng, củng cố cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng xã phường, thị trấn an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu là khâu then chốt để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đủ sức đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; ngăn ngừa và dập tắt các điểm nóng, giữ vững ổn định chính trị ngay từ địa phương cơ sở.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7