Hạnh phúc phía sau tình yêu Tổ quốc
Vắng bóng người đàn ông trụ cột nhưng tổ ấm nhỏ của anh Nguyễn Trọng Vượng, chị Đặng Thị Huyền vẫn ấm áp và đầy ắp tiếng cười. Bởi vợ chồng anh chị vừa chào đón một thiên thần nhỏ, kết quả tình yêu vun vén suốt 8 năm.
Công tác tại Đồn Biên phòng Đắc Ơ, cách nhà cả trăm cây số, mỗi lần được nghỉ phép là Thiếu tá Nguyễn Trọng Vượng, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Đắc Ơ lại tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi về thăm gia đình. Nhưng từ khi vợ mang thai và sinh con cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, anh phải tăng cường ở chốt phòng chống dịch, số lần về thăm nhà thưa dần nên chẳng thể chia sẻ việc chăm con cùng vợ.
Lần đầu làm mẹ, khó khăn không kể hết, nhưng may mắn là chị Huyền luôn có mẹ đồng hành, động viên nên anh Vượng cũng an tâm phần nào. “Chọn lấy chồng là bộ đội, mình cũng đã lường những khó khăn, vất vả trong tương lai. Thế nhưng, mình vẫn chọn anh làm người bạn đời, bởi mình nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” - chị Huyền chia sẻ mà như tự động viên mình.
Không kể hết những khó khăn mà một người phụ nữ nhỏ nhắn như chị Huyền phải vượt qua khi căn nhà vắng bóng người đàn ông, nhất là khi đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng, với tình yêu thương và sự thấu hiểu, mọi việc đều được chị sắp xếp ổn thỏa. Chị Huyền lý giải: “Bản thân anh hay bất kỳ ai đều mong muốn được ở cạnh những người thân yêu. Nhưng vì nhiệm vụ phải gác lại việc riêng, chấp nhận xa gia đình. Tuy ở xa nhưng anh vẫn thường xuyên gọi điện về nhà, vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng, vì vậy mà mọi khó khăn cả hai đều vượt qua”.
Là vợ lính, chị Huyền hiểu, phải luôn đặt hạnh phúc riêng phía sau nghĩa vụ với Tổ quốc. Đặc biệt, lực lượng nơi tuyến đầu, trong đó có chồng chị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên chị Huyền càng thương anh. Hằng ngày trao đổi qua các cuộc điện thoại, chị Huyền đều mong chồng và đồng đội có thật nhiều sức khỏe, vững vàng nơi tuyến đầu để quyết thắng trong trận chiến thầm lặng này.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Thiếu tá Nguyễn Trọng Vượng tâm sự: “Thường xuyên công tác xa nhà, đặc biệt lúc vợ sinh nở không có chồng bên cạnh, tôi chỉ biết động viên vợ từ xa. Mọi điều kiện trên biên giới khó khăn nhưng chính sự động viên, chia sẻ, cảm thông từ hậu phương đã giúp tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Vượng cho biết, tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi anh đều gọi điện về nhà để nhìn thấy con gái qua màn hình điện thoại. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mấy tháng rồi Thiếu tá Vượng ở lại đơn vị cùng với các chiến sĩ tăng cường tại chốt phòng chống dịch. Nỗi nhớ gia đình, đặc biệt là đứa con gái nhỏ gần 4 tháng tuổi vì vậy cứ lớn dần.
Tự hào là vợ lính
Còn đối với gia đình chị Đinh Thị Thúy Hằng, cưới nhau được 18 năm thì ngần ấy thời gian Thiếu tá Nguyễn Như Thủy, công tác tại Đồn Biên phòng Đắc Ơ xa nhà. Chị vừa làm mẹ vừa làm cha, chăm sóc nội ngoại hai bên để chồng yên tâm công tác.
Chồng thường xuyên vắng nhà nên đôi lúc chị còn kiêm luôn cả những việc lẽ ra là của đàn ông như thay bóng điện, sửa ống nước… Nhưng chị không xem đó là vất vả, bởi những việc nhỏ đó không là gì so với công việc của chồng. Nhiều người nói, thời bình mà vợ lính phải xa chồng là một thiệt thòi lớn, song chị Hằng lại thấy hạnh phúc vì được là một nửa của người lính biên phòng.
Dường như, suốt những năm qua, hạnh phúc với chị Hằng rất giản đơn. Đó là những cuộc điện thoại ngắn ngủi, những giây phút đoàn viên ít ỏi của gia đình nhưng luôn đong đầy yêu thương, lòng tin yêu, tự hào về người chồng, người cha. Cùng công tác trong khối lực lượng vũ trang, chị Hằng đang là Phó phòng an ninh đối nội, Công an tỉnh. Công việc của chị cũng phải đi công tác thường xuyên, thế nhưng chị vẫn tròn việc nhà, đảm bảo việc nước. Chị nói, “hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng”, vì thế, chị luôn cố gắng vun đắp tổ ấm, trở thành điểm tựa tinh thần cho chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Nở nụ cười tươi khi nhắc về người chồng thân yêu, chị Hằng chia sẻ, thời bình hay thời chiến, đã là vợ lính thì phải biết hy sinh. Có lẽ vì vậy, những người vợ như chị sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng để cùng anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Mong anh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, yên tâm công tác, vợ và các con ở nhà luôn tin tưởng, đặt hết niềm tin vào anh”- chị Hằng tự hào.
“Cuộc chiến không tiếng súng” với dịch Covid-19 vẫn còn gian nan, những người lính biên phòng như anh Vượng, anh Thủy nhiều tháng nay vẫn chưa được về thăm nhà. Nếu không có những người vợ đảm đang, chịu khó, các anh khó có thể toàn tâm, toàn ý hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ khi hậu phương vững chắc, tiền tuyến sẽ có thêm sức mạnh tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, như lời thơ các anh sáng tác gửi về hậu phương: “Nếu anh không về trong buổi chiều nay/Em đừng buồn và âu lo quá nhé/Nhớ đón con và động viên cha mẹ/Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên…”.
Chính vì xác định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, hậu phương của những người lính biên phòng đã và vẫn sẵn sàng gác lại tình riêng, trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính các chị đã tiếp thêm động lực, sức mạnh, niềm tin cho “một nửa” của mình yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.