Năm 2020 đã đi qua với những thành tựu đáng tự hào của đất nước. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức thành công rất tốt đẹp tạo khí thế mới, niềm tin mới để cả nước bước vào năm 2021 với nhiều thành công hơn nữa.
Tuy nhiên, mặc dù có những thuận lợi cơ bản, nhưng phía trước cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Để có thể hiện thực hóa các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2021, góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của mỗi tập thể, cá nhân.
Ảnh minh họa / TTXVN
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2021 của đất nước rất khả quan: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,2%; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 24,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước... Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tận dụng thời tiết thuận lợi, hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung, như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... hối hả vươn khơi bám biển, nhiều ngư dân đã trúng “lộc” đầu năm. Tại nhiều công trình trọng điểm trên cả nước, công nhân vẫn tích cực làm việc “xuyên Tết”, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ... Tất cả tạo nên “bức tranh” đầy khí thế và triển vọng. Tiếp tục phát huy những kết quả này, cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), từ cán bộ, công chức, viên chức đến mỗi công nhân, nông dân... cần bắt tay vào làm việc, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân mới, không để dư âm Tết kéo dài bởi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đã là nửa cuối tháng 2, đồng nghĩa với hơn một nửa quý I của năm 2021 đã đi qua.
Mỗi năm, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều công ty, doanh nghiệp lại thiếu công nhân do người lao động nghỉ việc, “nhảy việc”, tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một lượng lớn công nhân đã ở lại địa phương nơi đang làm việc để đón Tết nên nguy cơ lao động bỏ việc giảm đi, nhưng không vì thế mà coi nhẹ vấn đề này. Tổ chức công đoàn cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của công nhân, quan hệ lao động sau Tết, cùng doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, vận động, đồng thời có những hoạt động chăm lo nhằm giữ chân, động viên người lao động trở lại làm việc. Trên hết, người lao động cũng cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, các quy định phòng, chống dịch Covid-19, tích cực lao động sản xuất để bảo đảm việc làm bền vững cho bản thân, đồng thời góp phần xây dựng đất nước .
Không thể không nói đến vai trò của cán bộ, công chức. Đây là lực lượng giữ vai trò “mạch máu” của cả xã hội. Bộ máy hành chính nhà nước chỉ có thể vận hành tốt nếu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật lao động, tập trung chỉ đạo, đôn đốc cán bộ, công chức ngành mình, đơn vị mình chủ động, tích cực làm việc, tuyệt đối tránh tình trạng xao nhãng công việc, làm việc với tâm lý Tết còn kéo dài, khẩn trương tập trung giải quyết công việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả ngay từ những ngày làm việc sau Tết, đặc biệt là những việc còn tồn đọng do nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động SXKD...
Xuân mới, nỗ lực mới thì sẽ có những thành công mới!
Phương Hiền
Nguồn: qdnd.vn