Đây là lần đầu tiên các chiến sĩ dân quân Ban CHQS quận Phú Nhuận có dịp tham quan các cơ sở bí mật, hệ thống hầm trú ém vũ khí của biệt động Sài Gòn ngay giữa lòng thành phố.
Các chiến sĩ dân quân tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Bảo tàng nằm ở tầng 1 của căn nhà. Để lên bảo tàng, khách tham quan phải đi bằng thang máy cổ, có tuổi đời 100 năm từ khi căn nhà được xây dựng. Cửa thang máy làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bằng gỗ, khắc nhiều họa tiết bên trong.
Để lên bảo tàng, khách tham quan phải đi bằng thang máy cổ
Bảo tàng trưng bày hơn 100 hiện vật của các chiến sĩ biệt động
Anh Trần Vũ Bình (con trai ông Trần Văn Lai) là chủ nhân của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn cho biết, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là tâm huyết và tình cảm mà anh muốn dành tặng, tri ân các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa. Chính vì vậy, anh đã bỏ nhiều công sức, tiền của để mua lại căn nhà, hiện vật vốn là nơi hoạt động bí mật của cha mình. Sau đó, anh tổ chức sưu tầm, phục dựng nguyên trạng các hiện vật để làm di tích cho mọi người đến tham quan, tìm hiểu về những hoạt động thầm lặng nhưng kì tích của biệt động Sài Gòn.
Ngoài Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, anh Bình đã mua lại, phục dựng các di tích, nơi chứa vũ khí bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn trên đường Võ Văn Tần, Đặng Dung, Nguyễn Đình Chiểu. Những căn nhà này đều đào hầm bí mật để cất giấu vũ khí, phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Chiến sĩ Đoàn Trọng Bảo, dân quân Phường 13, quận Phú Nhuận chia sẻ đây là lần đầu tiên đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, cảm giác rất thích thú, ấn tượng trước không gian cổ kính xen lẫn chút hiện đại bằng việc đưa các ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ thực tế ảo để tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn. Với chiến sĩ Lâm Nhựt Tiến, dân quân Phường 8 thì những trải nghiệm thú vị khi đến với bảo tàng “có thể tương tác bằng các màn hình cảm ứng để tìm thông tin về các chiến sĩ biệt động giống như được chạm vào lịch sử, chạm vào quá khứ hào hùng của cha ông đi trước”.
Chiến sĩ dân quân quận Phú Nhuận có dịp tham quan, trải nghiệm hầm bí mật chứa vũ khí tại số nhà 183/4 đường 3/2, Quận 10, TPHCM hiện được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia
Hầm được xây dựng tháng 7 năm 1965, cất giấu 7 khẩu AK, 1 súng ngắn, 50 lựu đạn và 50 kg thuốc nổ nhằm phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Từ Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6, đặc trách khu vực nội thành Sài Gòn dưới danh nghĩa tiệm Phở Bình đến hệ thống các hầm trú ém vũ khí bí mật nằm ngay trung tâm đầu não của địch, cho thấy sự mưu trí, quả cảm, vai trò to lớn của lực lượng biệt động Sài Gòn, đã lập nên những chiến công vang dội, làm chấn động trong nước và thế giới.
Chiến sĩ được nghe giới thiệu về Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 (tiệm Phở Bình) tại địa chỉ số 7 Lý Chính Thắng, Quận 3