Con gái một anh bạn của tôi rất thông minh, học giỏi, là học lớp 9 tại một trường trung học cơ sở ở Hà Nội. Cháu vốn là niềm tự hào của bạn tôi, thế mà cách đây vài tháng, bạn tôi đã rất lo lắng khi nhắc tới cháu.
Từ một cô bé hồn nhiên, yêu đời, cháu bỗng dưng trở nên ít nói, luôn ru rú ở trong phòng, không muốn đi đâu và đáng lo hơn là cháu không muốn tới trường. Tìm hiểu mãi, bạn tôi mới nắm được rằng con gái mình vừa bị một trận công kích, chửi bới từ bạn bè và cả những người không quen biết trên mạng xã hội. Nguyên nhân là vì cháu lỡ chê một bài hát mới của một nam ca sĩ là không hay.
Đáng lo ngại là những câu chuyện như của con gái bạn tôi ngày càng phổ biến. Một khảo sát được công bố gần đây tại Việt Nam cho con số giật mình rằng, khoảng 1/3 số lượng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông khi được hỏi cho biết mình đã bị bắt nạt trên mạng; có những em vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là thủ phạm của các hành vi bắt nạt trên mạng. Những lý do của việc bắt nạt trên mạng đối với học sinh thì "muôn hình vạn trạng", trong đó không ít chuyện ẩm ương, không đâu như chuyện đầu tóc, quần áo, chuyện có người yêu, rồi ngoại hình béo hay gầy, cao hay thấp, học giỏi hay học kém...
Ảnh minh họa/ictnews.vietnamnet.vn.
Ai đã từng bị bắt nạt ngoài đời sẽ hiểu rõ cảm giác bị bắt nạt sẽ gây ức chế, thậm chí bế tắc thế nào. Thế nhưng bị bắt nạt trên mạng còn khủng khiếp hơn nhiều. Nạn nhân có thể cũng đã bị đối tượng bắt nạt trực tiếp ngoài đời, nhưng khi đối tượng sử dụng mạng xã hội thì hiệu ứng và hậu quả của việc bắt nạt lớn gấp nhiều lần. Bởi lúc đó, nạn nhân bỗng trở thành kẻ thù của cộng đồng mạng, có cảm giác bị bủa vây tứ phía. Mỗi thành viên mạng sẽ "ném" cho nạn nhân một lời bình luận ác ý. Hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu bình luận ác ý đủ để đánh gục tinh thần nạn nhân. Ở ngoài đời, khi bị bắt nạt, bị tấn công, người ta có thể trốn về nhà hay lánh ở một nơi nào đó, phạm vi ảnh hưởng, khuếch tán thông tin bó hẹp, nhưng khi bị bắt nạt, tấn công trên mạng thì không “chiếc vỏ ốc” nào có thể che chở cho nạn nhân. Sự ác ý, thù địch của cộng đồng mạng gây tổn thương ngay cả khi nạn nhân đang ở trong nhà mình.
Không chỉ học sinh mà ai cũng có thể trở thành nạn nhân của việc bắt nạt trên mạng. Trong thời gian qua, chúng ta thấy trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều vụ ồn ào liên quan tới cá nhân này, cá nhân kia. Có cảm giác như mỗi tuần, cộng đồng mạng lại tìm được cho mình một "con mồi" mới để cắn xé. Việc tấn công ai đó bằng bình luận ác ý dường như trở thành thói quen của không ít người dùng mạng xã hội. Có những người chẳng biết nạn nhân là ai, chẳng biết câu chuyện cụ thể thế nào đã “ném đá”, mà không lường hết những hậu quả.
Khi một số địa phương đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 thì mạng xã hội trở thành kênh giao tiếp chính của không ít người. Vì thế, những hành vi ứng xử trên mạng xã hội càng cần được quan tâm hơn.
Luật An ninh mạng đã có quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, có quy định chống các thông tin mạng có nội dung làm nhục, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đó là những động thái rất cần thiết để tạo ra một môi trường mạng an toàn hơn cho mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý... tránh được những rủi ro kiểu như bị bắt nạt trên mạng.
Hồ Quang Phương
Nguồn: qdnd.vn