(QK7 Online) - Sản xuất nông nghiệp ngày nay không còn phụ thuộc quá nhiều vào sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong tăng gia sản xuất là giải pháp đột phá mà Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Một trong số đó có sáng kiến “Sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học EM, IMO” của Thiếu tá Đặng Quang Sang đã thúc đẩy công tác tăng gia sản xuất của đơn vị theo hướng hữu cơ, sạch, thông minh, an toàn, góp phần tích cực giảm thiểu tác hại đến môi trường, giúp cho bữa ăn của bộ đội đảm bảo an toàn.
Trước đây, mỗi ngày Trung đoàn 5 phải xử lý gần 100kg rác thải hữu cơ từ bếp ăn. Trăn trở làm sao để những rác thải này có ích, qua quá trình mày mò, tìm hiểu trên sách, báo, Thiếu tá Đặng Quang Sang, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 5 đã nghiên cứu, chế tạo ra chế phẩm sinh học EM, IMO gồm các loại phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng; thuốc trừ sâu sinh học; dung dịch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu chăn nuôi.
Thiếu tá Đặng Quang Sang cùng chiến sĩ chế tạo chế phẩm sinh học EM, IMO
Giới thiệu với chúng tôi về quy trình sản xuất chế phẩm sinh học EM, IMO đa tác dụng, Thiếu tá Đặng Quang Sang cho biết: “Chế tạo ra EM, IMO (gốc) là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, EM, IMO được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như mật đường, cám gạo, mật mía, viên men rượu, đu đủ, chuối chín, vỏ trứng... Đối với thuốc trừ sâu sinh học được làm từ các chất cay, nóng như ớt, sả, tỏi, riềng, sau đó ủ lên men từ 7 đến 21 ngày tuỳ vào nhiệt độ và thời tiết, sẽ cho ra EM1, IMO 4 (thứ cấp), sau đó dùng để ủ rác thải hữu cơ từ bếp ăn của đơn vị trong vòng 15 ngày. Dùng dung dịch này pha với nước, tỉ lệ từ 1/50 đến 1/100 để phun tưới cho cây”.

Ủ rác thải hữu cơ từ bếp ăn của đơn vị
Tham quan khu tăng gia sản xuất tập trung của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 5, chúng tôi nhận thấy một màu xanh mướt, tươi tốt của các loại rau củ quả. Chiến sĩ Lê Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Chúng tôi đã dùng chế phẩm sinh học do đơn vị sản xuất để tưới, bón cho các loại rau củ quả, sau thời gian sử dụng tôi thấy vườn tăng gia sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao, an toàn. Từ đó mà bữa ăn của anh em chúng tôi được ngon hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Dùng chế phẩm sinh học EM, IMO để tưới rau
Chế phẩm sinh học EM gốc của Thiếu tá Đặng Quang Sang còn được sử dụng trực tiếp hoặc chế biến ra các chế phẩm EM thứ cấp theo công thức riêng, phối trộn cùng thức ăn, thức uống cho vật nuôi và khử mùi của chuồng trại.
Đánh giá về hiệu quả của chế phẩm sinh học EM, IMO, Thiếu tá Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 5 cho biết: “Sáng kiến sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học trong tăng gia sản xuất của Thiếu tá Đặng Quang Sang đã được đơn vị áp dụng vào thực tiễn từ tháng 3 năm 2023 đã mang hiệu quả cao, chi phí sản xuất ra chế phẩm sinh học thấp, tận dụng được khối lượng rác thải hữu cơ khá lớn trên 15 tấn/năm của đơn vị; sản phẩm đa dạng sử dụng cho cả trong trồng trọt, chăn nuôi lẫn vệ sinh nhà ăn, nhà bếp. Đã tạo ra những loại thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm cho bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, giúp bộ đội có sức khoẻ tốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.
Với ưu điểm thân thiện với môi trường và bảo đảm được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sáng kiến “Sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học EM, IMO góp phần nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất tại đơn vị” của Thiếu tá Đặng Quang Sang vừa đạt giải A trong Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Sư đoàn 5. Từ thành công ban đầu, anh tiếp tục nghiên cứu, chế tạo ra thêm nhiều chế phẩm sinh học với mong muốn lan toả rộng rãi đến các đơn vị bạn, đồng thời tiến tới sản xuất, đưa ra thị trường.
Bạch Thiết