Hình minh họa
Hà Nội khởi công cụm công nghiệp 1.000 tỷ, tạo việc làm 4.000 lao động
Sáng 20/9, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã tổ chức khởi công xây dựng xây dựng Cụm công nghiệp Kim Bài. Đây là công trình được Hà Nội lựa chọn khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Dự án Cụm công nghiệp Kim Bài là cụm đa ngành nghề, có quy mô 48,8ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm theo định hướng của huyện Thanh Oai, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sạch; kéo giãn các hộ, doanh nghiệp, cơ sở đang sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường ra sản xuất tại Cụm công nghiệp.
Cụm công nghiệp Kim Bài sẽ thu hút khoảng 100 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 3.000-4.000 lao động. Ngoài Cụm công nhiệp Kim Bài, huyện Thanh Oai còn có thêm 2 khu công nghiệp, với quy mô 750ha. Các khu công nghiệp này đều có quy hoạch hệ thống cảng cạn, kho bãi logictic.
Dự án Cụm công nghiệp Kim Bài được thành lập theo Quyết định số 2803, ngày 26/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội, địa điểm xây dựng tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai. Dự án được giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn TELIN làm Chủ đầu tư xây đựng hạ tầng kỹ thuật.
Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành bảng giá đất mới, có nơi lên đến 78 triệu đồng/m2
Bảng giá đất mới được áp dụng từ ngày 17/9. Mức thấp nhất theo bảng giá đất mới là 513.000 đồng, cao nhất 78 triệu đồng mỗi m2, tăng 20-30% so với bảng giá cũ.
Cụ thể, đất ở đô thị của tỉnh này có giá thấp nhất từ 913.000 đồng, cao nhất là 78 triệu đồng mỗi m2 (tăng 17% so với giá cũ). Các tuyến đường Ba Cu, Thùy Vân, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám, Đồ Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Trưng Trắc, Trưng Nhị... giá đất tại vị trí 1 khoảng 78 triệu đồng mỗi m2; vị trí 2 là 54,6 triệu đồng mỗi m2; vị trí 3 là 39 triệu đồng mỗi m2. So với bảng giá cũ, mức này tăng trung bình khoảng 17-18%.
Một số tuyến có mức giá đất cao thứ hai như Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng... với 58,5 triệu đồng mỗi m2 cho các vị trí 1; 40,9 triệu đồng mỗi m2 cho vị trí 2 và 29,2 triệu đồng mỗi m2 vị trí 3. Mức này cũng tăng tầm 20% so với bảng giá cũ.
Trong khi đó, đất ở nông thôn có giá từ 513 ngàn đồng/m2 đến 4,112 triệu đồng/m2 tùy theo tuyến đường, vị trí và địa phương…
Đề xuất bổ sung nút giao gần 1.600 tỉ nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với ĐT.911
UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép bổ sung nút giao này vào dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để triển khai đồng bộ. Đây sẽ là nút giao liên thông khác mức hoàn chỉnh với tổng mức đầu tư dự kiến 1.581 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng 813 tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng sẽ được thực hiện theo phương án vốn của dự án giai đoạn 1, trong đó chi phí xây dựng và 50% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (khoảng 1.174 tỷ đồng) là ngân sách Trung ương; phần còn lại khoảng 407 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Đường ĐT.991 có vai trò kết nối với nhiều tuyến đường trọng yếu trong khu vực như QL51, 56, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, cầu Phước An và các tỉnh lộ khác, cũng như kết nối với Bình Thuận. Đường ĐT.991 dự kiến có quy mô tối thiểu 8 làn xe vào năm 2050.
Nếu được phê duyệt, dự án sẽ khởi công từ năm 2025-2026. UBND tỉnh cam kết rà soát và cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự kiến cho giai đoạn 2026-2030 để bố trí chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo trách nhiệm của tỉnh.
Phó Thủ tướng có chỉ đạo mới về đầu tư cao tốc Nha Trang – Đà Lạt
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 426/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối hai địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh là duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn của đất nước là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao; cần có một tuyến đường chất lượng cao và an toàn kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước (thành phố Đà Lạt - thành phố hoa và thành phố Nha Trang - thành phố biển) nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Do vậy nhu cầu sớm đầu tư tuyến đường cao tốc này là rất cần thiết.
Để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai Dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Hoàng An