Ảnh minh họa.
Trước đó, Chứng khoán VCBS đưa ra dự báo tích cực nhất VN-Index có thể bùng nổ 1.663 điểm trong năm nay.
Trong kịch bản tiêu cực, VnDirect dự báo Vn-Index chỉ tăng 6% tương ứng thị trường đóng cửa tại 1.340 điểm.
Theo các chuyên gia phân tích của VnDirect, sẽ có 3 động lực chính cho thị trường tăng trưởng trong năm nay.
Thứ nhất, lợi nhuận tăng trưởng cao. Dựa trên đà phục hồi của năm 2024 với tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 16%, dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 17% vào năm 2025, được hỗ trợ bởi: Cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư công, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5% và hướng tới mức tham vọng là 8,0%;
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của NHNN là 16% trong năm 2025, cung cấp nguồn vốn dồi dào cho doanh nghiệp phát triển và củng cố triển vọng lợi nhuận cho các tổ chức tài chính; và Việc thực hiện mục tiêu nâng hạng lên “thị trường mới nổi thứ cấp” của FTSE sẽ cải thiện thanh khoản thị trường và thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân vào thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Ngành Ngân hàng và Bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận thị trường trong năm 2025, đóng góp lần lượt 58,5% và 10,7% vào tổng lợi nhuận. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ở mức cao trong năm 2025, ngành Ngân hàng dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ 19%, củng cố vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Trong khi đó, các ngành như Nông nghiệp, Vật liệu xây dựng, Hàng không và Xuất khẩu, vốn đã tăng trưởng mạnh trong năm 2024, được dự báo sẽ chậm lại trong năm2025. Ngược lại, Bất động sản và Điện được kỳ vọng sẽ bứt phá với tốc độ tăng trưởng cao, nhờ các yếu tố hỗ trợ và những điều kiện thuận lợi hơn trong năm 2025.
Thứ hai, định giá thị trường hấp dẫn. P/E trượt 12 tháng của thị trường ở mức 13,3 lần, chiết khấu 8,2% so với trung bình 5 năm. Chúng tôi dự phóng P/E năm 2025 ở mức 11,6 lần dựa vào giả định lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 17% trong năm 2025.
P/E thị trường hiện tại khá hấp dẫn. Hiện tại, định giá P/E của VN-Index khá hấp dẫn, khi đang giao dịch với mức chiết khấu 8,2% so với trung bình 5 năm, trong khi kỳ vọng tăng trưởng EPS sẽ cải thiện vào năm 2025. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thường có mối quan hệ nghịch với hệ số P/E. Trong ngắn hạn, lợi suất này được dự báo sẽ tiếp tục tăng do lo ngại về tỷ giá hối đoái và dòng vốn ngoại.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực lớn khi chỉ số DXY đạt 109 – mức cao nhất trong hai năm, buộc NHNN phải can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, thị trường đã phản ánh phần lớn các rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái. Sang năm 2025, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ trở thành yếu tố chính khi thúc đẩy xu hướng thị trường.
Nếu xét theo định giá P/B, VN-Index hiện tại đang tương đối hấp dẫn khi giao dịch ở mức 1,7 lần giá trị sổ sách, chiết khấu 17,6% so với mức trung bình 5 năm.
Với mức định giá thị trường hiện tại, nhà đầu tư có thể chủ động tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng nên hạn chế sử dụng đòn bẩy cao để phòng ngừa rủi ro hệ thống.
Thứ ba khả năng nâng hạng năm 2025. Với việc đáp ứng hai tiêu chí còn lại của FTSE Russell, bao gồm Tiêu chí Pre-Funding và tiêu chí chi phí liên quan đến giao dịch thất bại, kỳ vọng FTSE Russell sẽ chính thức nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên Thị trường mới nổi hạng hai trong kỳ đánh giá định kỳ vào T9/25 của tổ chức này.
Với cam kết mạnh mẽ trong việc đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và xây dựng một thị trường vốn phát triển bền vững, VnDirect tin rằng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng còn lại của MSCI.
Kỳ vọng các tiêu chí nâng hạng còn lại của MSCI sẽ được đáp ứng vào năm 2026, và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá thường niên của tổ chức này vào T6/27.
Mặc dù tự tin vào tăng trưởng kinh tế nội địa và dự báo lợi nhuận thị trường, hiệu suất thị trường vẫn phần nào bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài khó dự báo.
Áp lực tỷ giá quá mức có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường, trong khi các thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ có thể tác động đáng kể đến một số nhóm nhà đầu tư. Các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump có thể làm tái bùng phát lạm phát tại Mỹ, buộc Fed phải dừng hoặc đảo ngược việc cắt giảm lãi suất, khiến USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng.
Trong kịch bản xấu nhất, NHNN Việt Nam có thể phải bảo vệ tỷ giá bằng cách bán dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất, gây áp lực lên định giá thị trường.
Anh Mai