Món quà ý nghĩa từ Trung trướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng gắn với câu chuyện của người trí thức yêu nước Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh năm 1913 tại thị xã Vĩnh Long, miền Tây Nam Bộ), người đã để lại công việc kỹ sư tại một hãng hàng không dân dụng tại nước ngoài với mức lương 22 lạng vàng một tháng để về Việt Nam phục vụ kháng chiến ở tuổi 33.
7 ngày sau khi về nước, Phạm Quang Lễ lập tức được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu badôca của Mỹ, với hai viên đạn do GS Tạ Quang Bửu lúc này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cung cấp. Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách “lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc”.
Bác Hồ giao cho ông toàn quyền trong việc chế tạo vũ khí mà không phải thông qua bất kỳ một cấp nào khác. Rồi Bác căn dặn: “Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”.
Trung tướng Hồ Quang Tuấn kể lại lời giải thích của Bác Hồ về ý nghĩa tên gọi Trần Đại Nghĩa: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với Nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo”. Trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí đặc biệt. Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng ở tuổi 35. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Trần Đại Nghĩa được phong danh hiệu Anh hùng lao động, một trong 7 Anh hùng lao động đầu tiên của nước ta.
Bác Hồ với giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Tư liệu
Nhiệm vụ nghiên cứu khí tài công nghệ cao giúp bảo vệ đất nước từ xa đã đến giai đoạn nghiệm thu cuối, tiến tới kết thúc đề tài nghiên cứu trong năm 2024. Viettel cũng tham gia sản xuất trang bị nhằm tăng tính sẵn sàng chiến đấu, tăng cường tính tác chiến, chính xác của lực lượng Quân đội Nhân dân. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ các sản phẩm quốc phòng, Viettel đã tham gia phát triển nhiều sản phẩm hỗ trợ quốc phòng như thiết bị điện tử, cơ khí chính xác, thiết bị huấn luyện…
Viettel và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã cùng đạt nhiều kết quả ấn tượng trong nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Điển hình là Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022, nơi giới thiệu năng lực công nghiệp quốc phòng Việt Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu và hợp tác nghiên cứu. Từ các quan hệ được thiết lập qua các triển lãm và diễn đàn, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã hỗ trợ Viettel quảng bá năng lực xuất khẩu tại Indonesia, Thái Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, Viettel đã ký hợp đồng triệu đô với Philippines về xuất khẩu hệ thống mô phỏng, huấn luyện bắn súng.
Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng nhấn mạnh: “Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng vừa là cấp trên của Viettel, trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách đồng thời cũng là những đối tác trong việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo trang thiết bị. Với sự giúp đỡ của các đồng chí, nhiều sản phẩm đã bước sang giai đoạn sản xuất hàng loạt, sẵn sàng trang bị cho Quân đội”.
Người đứng đầu Tập đoàn bày tỏ kỳ vọng Viettel có thể cung cấp nhiều dịch vụ chuyển đổi số hơn cho Tổng cục nhằm hiện đại hóa trong việc quản lý các nhà máy, tăng năng suất đồng thời phân phối các sản phẩm dân dụng của Tổng cục tại mạng lưới điểm bán rộng khắp Viettel trên thế giới.
Trung trướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chia sẻ: “Viettel và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng không chỉ đề xuất chủ trương mà còn hiện thực hóa nó. Chúng ta rất nỗ lực trong quá trình đề xuất nội dung, ý kiến xây dựng luật. Và với tinh thần phối hợp nhịp nhàng, nhiều cơ chế chính sách quan trọng về công nghiệp quốc phòng đã được thông qua. Tuy nhiên, cả Tổng cục và Viettel còn nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong tương lai”.