(QK7 Online) - Theo bác Nguyễn Tấn Hùng, qua lời kể của chú Bảy Hải, “Đường dây Côn Đảo”. đầu ở đất liền kết nối với Trung ương cục được thiết lập như thế. Còn ở đầu kia, đầu ở hải đảo xa xôi, đầu ở ngục tù tăm tối việc thiết lập đầu mối và duy trì hoạt động của đường dây càng khó khăn, gian khổ hơn nhiều. Vậy mà “ Đường dây Côn Đảo” vẫn đứng vững và giữ được liên lạc thường xuyên suốt 15 năm chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhờ sự giới thiệu tận tình của nhà báo Trịnh Phi Long, Báo Cựu chiến binh TP. HCM (cũng là một cựu tù Côn Đảo), tôi đã tìm gặp bác Lê Hồng Tư- một cựu tử tù Côn Đảo và bác Tư đã đưa chúng tôi tìm gặp chị Khánh, Trưởng ban liên lạc cựu tù Côn Đảo TP.HCM.
Theo lời hẹn của chị Khánh và bác Tư, chúng tôi đến thăm bác Nguyễn Văn Thiện tại nhà riêng ở quận 3. Bác Thiện là môt cựu sinh viên vì tham gia trong phong trào học sinh sinh viên chống chế độ Mỹ- ngụy nên bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Tại đây, bác được giác ngộ và là thành viên quan trọng của đường dây liên lạc từ nhà tù vào đất liền. Về hoạt động đường dây, bác đã có viết một bài đăng trên kỷ yếu cựu tù chính trị và tù binh thành phố Hồ Chí Minh (do Nhà Xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2013) cùng với các bác cựu tù năm xưa như: Nguyễn Văn Khuynh (Hai Khuynh), Ngô Văn Năng, Huỳnh Công Kỳ, Lê Quang Đức, Huỳnh Chấn, Dư Vinh Quang…
Bác Thiện đang kể lại những ngày tháng ở Côn Đảo
Theo bác Thiện, lúc bác Hai Khuynh (bác Hai Khuynh cùng vợ là Út Lan đã mất năm 2000 tại thành phố Hồ Chí Minh) bị giam ở khám đường Tây Ninh thì đã cảm hoá được giám thị Nguyễn Văn Thượng. Và khi các ông Hai Khuynh, Ba Thưa bị đày ra Côn Đảo thì giám thị Nguyễn Văn Thượng cũng thuyên chuyển ra đảo làm giám thị Chủ sở chăn nuôi trên núi Thánh Gía, một trong những nơi khai thác lao động khổ sai của tù nhân để phục vụ bọn chúa đảo. Ra đảo, Hai Khuynh được Nguyễn Văn Bửu, nguyên là cán bộ binh vận tỉnh Tây Ninh móc nối vận động được ra dạy học cho con giám thị Thượng. (Tù nhân được làm như vậy là do bọn chúa đảo, giám thị được phép sử dụng người tù để phục dịch gia đình họ. Những chính trị phạm gốc nhà giáo như Hai Khuynh thường được chọn làm gia sư cho gia đình công chức, sĩ quan, giám thị ở đảo. Tù chính trị cũng tận dụng cơ hội đó để tranh thủ làm công tác địch vận, cảm hoá họ để họ bớt hung hăng, trấn áp tù nhân, cũng như lợi dụng quan hệ của họ để phục vụ đường dây liên lạc về đất liền).
Một góc nhà tù xưa
Khi làm thân với gia đình giám thị Thượng, Hai Khuynh nhờ Năm Thượng chuyển một bức thư về cho vợ mình là bà Lê Thị Lan. Nguỵ trang dưới dạng thư thăm gia đình, bức thư gửi tháng 11 năm 1963 chính là bản báo cáo đầu tiên do Út Lan chuyển qua người cháu là Lâm Minh Trung đã đến được Ban an ninh Tỉnh uỷ Tây Ninh, mật danh là đơn vị C.155. Báo cáo số 303/VF ngày 27/11/1963 của C.155 gửi Trung ương cục cho biết đường dây đã liên hệ được với “ ông Năm” ( giám thị Thượng), thu thập được những tài liệu đáng tin cậy về tổ chức hành chính, quân sự, bố phòng của địch qua sơ đồ đảo do đầu dây ngoài đảo chuyển về cũng như tình hình giam giữ và hoạt động của tù nhân. Báo cáo nêu rõ toàn đảo khi đó có gần 4.000 tù nhân, trong đó có 120 án tử hình, 20 án chung thân, 1.500 người bị cấm cố, 1.000 người được đưa ra lao động ở các cơ sở khổ sai, 25 tù nhân người Hoa được làm ăn tự do. Tinh thần tù chính trị khá vững vàng, đấu tranh quyết liệt có sự lãnh đạo chặt chẽ. Tiếp theo đó là những báo cáo được gửi thường xuyên về Tỉnh uỷ Tây Ninh, Trung ương cục miền Nam, nêu rất chi tiết hoạt động giam giữ tù nhân của kẻ địch, kể cả vấn đề ngân sách chi cho các tù nhân.
Theo nhiều tài liệu còn lưu trữ cùng những hồi ức của các nhân chứng và các tù chính trị Côn Đảo được xuất bản cho biết “ Đường dây Côn Đảo” nối liền sự liên lạc giữa chính trị phạm và cơ quan lãnh đạo Cách mạng miền Nam do Tỉnh uỷ Tây Ninh lập ra được Trung ương cục miền Nam giao nhiệm vụ tổ chức, điều hành duy trì suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ (1960-1975) xem như được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, đường dây bắt đầu hình thành từ khám đường Tây Ninh (1959-1960) sang nhà lao Chí Hoà (1961-1962) đến Côn Đảo, được duy trì liên tục bởi vợ chồng ông Nguyễn Văn Khuynh và bà Lê Thị Lan ở hai đầu đường dây cho đến năm 1967. Giai đoạn sau, từ năm 1967 ông Hai Khuynh mãn hạn tù trở về công tác phụ trách đầu dây tại Văn phòng Trung ương cục cho đến ngày miền Nam giải phóng. Giai đoạn này, đầu dây ở Côn Đảo đã lớn mạnh và lập được thành tích độc đáo là lập và chuyển được về đất liền danh sách 8.000 tù chính trị Côn Đảo để đặt lên bàn hội nghị Paris tố cáo chế độ lao tù ác nghiệt của Mỹ nguỵ.
(Còn tiếp)
Nguyễn Bắc