Năm 1994, chàng trai trẻ Tăng Thanh Tuấn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào bộ đội Thông tin. Sau thời gian 4 năm huấn luyện và làm việc trong môi trường Quân đội, ông trở về địa phương. Khi đó, ông còn bỡ ngỡ, không có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, do vậy kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, với bản chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, năm 1998 CCB Tăng Thanh Tuấn đưa gia đình từ quê lúa Thái Bình vào vùng đất Trạm Hành lập nghiệp và bắt tay vào khai hoang, phát triển trang trại trồng cà phê, rau, chăn nuôi. Là người năng động, nhạy bén, lại ham học hỏi, nên ông luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do địa phương, công ty tổ chức. Hiện tại ông là trưởng nhóm phát triển cà phê bền vững thương hiệu cà phê Cầu Đất, đồng thời là nhà thu mua cà phê cho các thương hiệu nổi tiếng như Starbucks và Olam. Mỗi năm ông thu mua của các hộ dân lên đến 1.000 tấn cà phê tươi chín.
Hiện, 100% gia đình CCB sống bằng nghề nông đều có đất vườn để sản xuất, kinh tế của gia đình hội viên ổn định, ngày càng được phát triển, mức thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm.
Nhằm tạo thuận lợi cho hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB xã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ các CCB phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội CCB xã phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các chương trình khuyến nông; tổ chức cho CCB tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi,... Qua đó, góp phần tạo điều kiện để hội viên có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội CCB còn chủ động phát huy nội lực bằng cách tạo quỹ cố định của Hội xã và các chi hội để động viên, giúp đỡ hội viên CCB còn gặp khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Kết quả, đến nay đã xây dựng được nguồn quỹ Hội 62,5 triệu đồng. Với số quỹ trên, các chi hội đã tổ chức cho 8 hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết khó khăn. Ngoài vốn cố định, hội viên các chi hội còn cho mượn 18 triệu đồng để giúp nhau lúc khó khăn.
Trong 5 năm qua, đã có 75 lượt hội viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền trên 1 tỷ đồng. Vốn vay từ các kênh khác thông qua thế chấp đạt trên 2 tỷ đồng. Trong hội có nhiều hội viên làm kinh tế đạt hiệu quả cao bằng nhiều phương thức và ngành nghề khác nhau, làm giàu chính đáng như chăn nuôi, trồng trọt, nhà trọ, xây dựng... Điều đáng qúy là nhiều CCB làm kinh tế giỏi vừa nâng cao đời sống gia đình, vừa tạo điều kiện giúp CCB khác về vốn và việc làm. Kết quả, toàn Hội hiện nay có tổng số 86 hộ gia đình/89 hội viên, trong đó có 57 hộ khá và giàu, 29 hộ trung bình, không có hộ nghèo.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội CCB xã Trạm Hành cho biết, một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong công tác hội nhiều năm qua, đó là vận động hội viên CCB gương mẫu tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhằm thực hiện Nghị quyết chuyên đề III của Trung ương Hội CCB Việt Nam về “Chăm lo đời sống hội viên và tổ chức động viên CCB tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cùng đó, bản thân các CCB còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và giúp đỡ nhiều hội viên khác vươn lên thoát nghèo bền vững, phát huy mạnh mẽ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chống lại nghèo nàn, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
CCB xã Trạm Hành được Trung ương Hội tặng bằng khen và UBND thành phố tặng giấy khen. Nhiều cá nhân hội viên CCB được khen thưởng từ cấp xã đến cấp tỉnh, đó là sự ghi nhận những nỗ lực của Hội CCB ở xã vùng ven Đà Lạt.