LLVT Thành phố Hồ Chí Minh tiếp bước truyền thống. Ảnh: Hữu Tân
Đêm 4-9-1945, Đoàn trưởng các lực lượng xung phong công đoàn họp tại Trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ, lập bàn thờ Tổ quốc tuyên thệ “Là chiến sĩ xung phong Công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”. Đây chính là mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời và là ngày truyền thống của LLVT Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Những ngày đầu thành lập, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn với trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ và vũ khí tự tạo đã anh dũng chiến đấu chống lại đội quân nhà nghề viễn chinh Pháp. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, lực lượng vũ trang thành phố tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng; đã hình thành các ban, tiểu đoàn và trung đoàn làm nhiệm vụ nắm địch, bảo vệ căn cứ ở ven đô, lập nên nhiều chiến công vang đội, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
LLVT Thành phố tuần tra bảo vệ địa bàn. Ảnh: Trung Trực
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT Thành phố phát triển, trưởng thành vượt bậc. Vận dụng đường lối xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng trên địa bàn đặc biệt, trong đó lấy nội đô làm trung tâm, Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy Miền rất coi trọng việc xây dựng lực lượng “biệt động” đặc biệt tinh nhuệ với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng đánh vào những mục tiêu trọng yếu để gây rối loạn cơ quan đầu não, hậu phương của địch bằng những trận đánh điển hình như: Trận đánh Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và Đài Phát thanh Sài Gòn, đánh chìm chiến hạm Baton Rouger Victory, phá hủy kho bom Thành Tuy Hạ, đốt cháy Kho xăng Nhà Bè... LLVT Thành phố góp phần cùng Nhân dân Thành phố làm nên một “Sài Gòn - Gia Định anh hùng”, với những địa danh đã đi vào lịch sử như: “Mười tám thôn vườn trầu”, “Láng Le, Bầu Cò, Vườn Thơm, Bà Vụ”... một “Củ Chi đất thép thành đồng”, một Rừng Sác với những chiến công đã trở thành huyền thoại... trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, LLVT Thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực hình thành 5 mũi tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch, đánh chiếm các mục tiêu, mở đường, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực tiến công giải phóng Sài Gòn, ngoài ra còn làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng góp phần tích cực vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, LLVT Thành phố cùng với chính quyền và Nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm để lại, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pol pot Ieng Sary.
Trong thời kỳ mới, LLVT Thành phố tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều đề án, dự án, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, thế trận lòng dân vững mạnh trên địa bàn chiến lược; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham mưu và xử lý tốt các tình huống về quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại, góp phần giữ vững ổn định chính trị để thành phố phát triển kinh tế, xã hội.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, LVLT Thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng, chống đại dịch; huy động hơn 36.200 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân xung phong trên tuyến đầu chống dịch, giúp dân; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để quan tâm, chăm lo, giúp đỡ Nhân dân với giá trị trên 300 tỷ đồng. Nhiều nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, nhiệm vụ khó khăn, gian khổ đã được hoàn thành rất xuất sắc như: Tiếp nhận, xử lý, bảo quản, khâm liệm thi hài, hỏa táng và bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19. Từ trong khó khăn, gian khổ, hiểm nguy hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được tỏa sáng và phát huy cao độ, xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Thành phố.
Trong suốt chặng đường 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chở che, đùm bọc của Nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Thành phố anh hùng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, viết nên truyền thống “Trung thành vô hạn - Bám trụ kiên cường - Đoàn kết kỷ cương - Năng động sáng tạo - Quyết chiến quyết thắng”. Đến nay đã có 105 tập thể, 132 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
- 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân (năm 1978 và năm 2011).
- 3 Huân chương Thành đồng.
- 1 Huân chương Hồ Chí Minh.
- 2 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì).
- 2 Huân chương Quân công (1 hạng Nhất, 1 hạng Ba).
- 2 Huân chương Lao động hạng Nhất.
- 6 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (2 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 2 hạng Ba).
- 19 cờ Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng (3 cờ Chính phủ, 7 cờ Bộ Quốc phòng, 3 cờ Quân khu 7, 7 Cờ Ủy ban Nhân dân Thành phố).