Những tháng năm khốc liệt trên chiến trường Quảng Trị và môi trường binh nghiệp đã hun đúc nên ý chí kiên cường trong người cựu binh Bạch Văn Pha. Để rồi hòa bình lập lại, năm 1980 ông mang theo tinh thần người lính rời Mỹ Đức, Hà Nội có mặt trong đoàn công dân Thủ đô đầu tiên đi xây dựng cuộc sống ở vùng kinh tế mới Lâm Hà. Đã 69 tuổi đời nhưng ông Bạch Văn Pha vẫn vô cùng minh mẫn. Hàng chục năm qua, mỗi ngày của ông đều quẩn quanh với rẫy, vườn, chuồng. Nhưng như vậy không có nghĩa là ông an phận, bằng lòng với lối sản xuất truyền thống. Thay vào đó, nhiều đổi mới sáng tạo đã liên tục được người nông dân này áp dụng và thực tế đã chứng minh hiệu quả.
Câu chuyện của ông Bạch Văn Pha đưa chúng tôi về những ngày đầu vào làm kinh tế mới. Lối sản xuất nông nghiệp của miền Bắc được ông áp dụng với lúa, bắp, khoai, sắn để đủ cơm ăn qua ngày. Năm 1989, gia đình ông bắt đầu trồng cà phê. Không mạnh dạn trồng ồ ạt khi chưa thực sự hiểu rõ về loại cây này, ông bắt đầu trồng 3 sào đầu tiên. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, sau 3 năm, diện tích cà phê đã lên 1 ha. Thời điểm này, ngoài nghiên cứu kỹ việc sử dụng phân bón phù hợp cho cây cà phê, ông chú trọng đến việc tỉa cành để cà phê đạt năng suất, chất lượng. Lợi nhuận từ cây cà phê mang lại cộng với việc nắm chắc về kỹ thuật sản xuất, nhiều năm sau nông dân Bạch Văn Pha đã chuyển hoàn toàn sang trồng cà phê với diện tích 5,7 ha. Ông là người đi đầu ở vùng này trong việc chuyển sang trồng cà phê ghép nhằm nâng cao năng suất. Sau nhiều năm trồng cà phê, nông dân Bạch Văn Pha rút ra kinh nghiệm “phải luôn học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật. Phải thật hiểu thuộc tính của cây mới biết cách chăm bón sao cho đạt hiệu quả cao nhất”.
Vừa bước đi giữa những hàng cà phê xanh ngát, người nông dân 69 tuổi thổ lộ, bí quyết chăm sóc cây của gia đình rất đơn giản, đó là tự ủ phân để bón thay vì mỗi năm phải bỏ hàng chục đến cả trăm triệu đồng cho các loại phân hóa học. Ông chia sẻ: “Trước đây, gia đình vẫn dùng các loại phân bón hóa học để trồng cà phê. Thời gian đầu cây sinh trưởng mạnh nhưng về sau thì đất vườn dần khô cứng, cây cối vì thế cũng suy giảm, năng suất kém. Mãi đến khoảng năm 2019, khi được các chuyên gia nông nghiệp phân tích và hướng dẫn cách tự ủ phân để bón thì việc chăm sóc cà phê mới thực sự đạt kết quả cao”.
Nhờ áp dụng mô hình chăm sóc với phân bón hữu cơ tự ủ nên cây trong vườn phát triển mạnh, năng suất cà phê của gia đình đạt 7 - 8 tấn nhân/ha. Mỗi năm, gia đình ông Bạch Văn Pha thu được hàng chục tấn nhân. Ông chia sẻ: “Năm 2020, với 5,7 ha cà phê gia đình thu về 27 tấn nhân. Sau khi trừ chi phí các loại, tôi còn dư được khoảng 400 triệu đồng”.
Hiện nay, khi nhiều nông dân đang có xu hướng bỏ cà phê do năng suất và giá cả thấp, nông dân Bạch Văn Pha vẫn sống tốt từ cà phê. Ngoài ra, do việc trồng cà phê đảm bảo tiêu chuẩn về khoảng cách từ đầu nên hiện nay giữa 4 cây cà phê ông trồng 1 gốc tiêu. Như vậy dù không giảm diện tích cà phê, nông dân Bạch Văn Pha vẫn có thêm hàng trăm gốc tiêu. Việc chăm sóc hai loại cây này đều từ nguồn phân bón hữu cơ tự cung, tự cấp, nên năng suất cây trồng tăng lên mà chi phí đầu tư giảm xuống.
Ngoài ra, ông còn xây dựng hồ để vừa chủ động nước tưới vừa nuôi thêm cá. Bồ câu, baba cũng là những vật nuôi được nông dân Bạch Văn Pha nghiên cứu kỹ đặc tính và đầu tư chăn nuôi. Đây không chỉ là nguồn cung cấp lương thực đảm bảo đời sống gia đình mà còn tăng thêm một khoản thu nhập lớn cho nông hộ.
Sự năng động, sáng tạo, quyết tâm và tinh thần không ngừng học hỏi đã mang lại nhiều thành quả trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Bạch Văn Pha. Ông là điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp không chỉ của xã Tân Văn mà cả của huyện Lâm Hà. Cũng bởi vậy mà liên tục 17 năm từ 2003 đến 2020 người dân thôn Mỹ Đức, xã Tân Văn đều tín nhiệm bầu ông làm Chi hội trưởng Hội Nông dân. Năm 2021, ông chuyển qua làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, tinh thần người lính vẫn được phát huy mạnh mẽ để ông vừa làm tròn công tác xã hội và vẫn là người nông dân đầy trí tuệ, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.