Thiếu tướng Trần Đình Cửu.
Ngày 27-3-1948, Hội nghị Khu ủy Khu 7 mở rộng quyết định nâng cao một bước quy mô tổ chức lực lượng vũ trang. Theo đó, tháng 8-1948, bộ đội chủ lực Khu 7 được xây dựng thành tiểu đoàn bộ đội chủ lực của Khu. Đồng chí Trần Đình Cửu được chỉ định làm Chính trị viên Tiểu đoàn bộ đội chủ lực Khu 7. Trong thời gian này, đồng chí cùng Ban Chỉ huy đơn vị lãnh đạo và triển khai xây dựng Đảng trong đơn vị theo Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần 4 (8-1948). Trong đó, tập trung vào đại đội là cấp cơ sở. Ở đại đội có Ban Chính trị gồm các tổ dân vận, địch vận, huấn luyện, câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ. Qua triển khai thực hiện, tổ chức Đảng được tăng cường và thống nhất, nâng cao khả năng lãnh đạo của Đảng trong đơn vị. Song song với công tác xây dựng Đảng, đồng chí cùng Ban Chỉ huy đơn vị chỉ huy cán bộ, chiến sĩ liên tục tổ chức tác chiến tiêu diệt địch. Tiêu biểu trong đó có trận Ấp Lớn, xã Mỹ Lộc (phía Bắc huyện Tân Uyên; 11-11-1948), ta diệt 1 trung đội địch. Trận đánh thể hiện quyết tâm của người chỉ huy, biết tổ chức lực lượng thành nhiều mũi đánh thẳng vào đội hình của địch có số quân đông hơn ta nhiều lần. Kết quả trận đánh góp phần làm thất bại cuộc hành quân càn quét của địch vào vùng căn cứ cách mạng.
Tháng 4-1949, trên cơ sở đơn vị bộ đội lưu động, Khu 7 thành lập Tiểu đoàn chủ lực lấy phiên hiệu 303. Đồng chí Trần Đình Cửu được chỉ định làm Chính trị viên Tiểu đoàn 303 chủ lực Khu 7. Để đẩy mạnh vận động chiến tiến tới tổ chức những trận đánh lớn phối hợp với Chiến dịch Biên Giới (16-9-1950 - 14-10-1950), Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định giải thể các liên trung đoàn, thành lập bốn trung đoàn chủ lực mang phiên hiệu: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cửu Long và Tây Đô. Trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, Trung đoàn Đồng Nai được thành lập gồm Tiểu đoàn 302, Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 304. Tháng 10-1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 mở Chiến dịch Bến Cát (7-10-1950 - 15-11-1950). Tham gia Chiến dịch Bến Cát, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn chỉ huy đơn vị chiến đấu, cùng các đơn vị vũ trang Khu 7 giành thắng lợi trong Chiến dịch Bến Cát, qua đó góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chia lửa cùng chiến trường cả nước, tạo điều kiện mọi mặt đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đầu tháng 5-1951, đồng chí Trần Đình Cửu được bổ nhiệm làm Chính trị viên Tiểu đoàn 304.
Tháng 5-1951, Trung ương Cục quyết định phân chia lại chiến trường, sắp xếp lại lực lượng, kiện toàn tổ chức trên toàn Nam Bộ. Các khu 7, 8, 9 được giải thể. Chiến trường Nam Bộ được chia thành hai phân liên khu: Phân Liên khu miền Đông và Phân Liên khu miền Tây, lấy sông Tiền Giang làm ranh giới địa lý. Lực lượng vũ trang được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tập trung xây dựng các tiểu đoàn tập trung của tỉnh, các đại đội độc lập của huyện, phát triển các đội binh chủng chuyên môn, vũ trang tuyên truyền làm cho tỉnh, huyện đủ sức bảo vệ địa phương, chủ động tiêu hao, tiêu diệt địch, phát triển chiến tranh du kích đến từng xã. Theo đó, Trung đoàn Đồng Nai giải thể. Tháng 1-1952, đồng chí Trần Đình Cửu được điều động về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 307. Tháng 12-1952, đồng chí là Chính trị viên Tiểu đoàn 410 của tỉnh Cần Thơ.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tháng 10-1954, đồng chí làm Phó Chính ủy Trung đoàn 2, Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Năm 1955, đồng chí là Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Năm 1956, đồng chí tập kết ra miền Bắc, tham gia học tập, bồi dưỡng văn hóa tại Kiến An (Hải Phòng). Sau đó, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Quyền Chính ủy Trung đoàn 332, rồi Chính ủy Trung đoàn rađa. Những năm từ 1957 đến 1961, đồng chí là Trưởng phòng Cán bộ Binh chủng.
Năm 1961, đồng chí học tại Trường Trung cao Chính trị. Năm 1962, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Binh chủng Hậu cần, Cục phó Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị. Tháng 12-1963, đồng chí lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, từ năm 1976 đến năm 1977, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Từ năm 1977 đến năm 1979, đồng chí là Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị và đi học tại Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).
Tháng 8-1980, đồng chí Trần Đình Cửu được thăng quân hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7. Thời gian này, thực hiện Quyết định số 272-QP/QĐ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 20-9-1980, đồng chí đã tham mưu giúp Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu ban hành Quyết định số 163/QĐ-QK về việc chuyển cơ quan cán bộ các cấp về trực thuộc Thủ trưởng đơn vị. Đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo một số địa phương, đơn vị triển khai công tác quy hoạch cán bộ, theo chủ trương chung của Bộ Quốc phòng; đồng thời cùng Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cấp ủy địa phương vận động nhân dân đóng góp vật chất và tổ chức kết nghĩa giữa các tổ chức đoàn thể, cơ quan các tỉnh, thành phố giúp đỡ, hỗ trợ các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Từ năm 1983, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7. Với cương vị Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chính trị, tham mưu giúp Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 15-12-1982 của Bộ Chính trị (khóa V) “Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong Quân đội”. Đồng chí cùng Đảng ủy Cục Chính trị triển khai quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 4-7-1985 của Bộ Chính trị (khóa V) “Về việc tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”. Đồng chí cùng Đảng ủy Cục Chính trị đề xuất Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu ban hành nhiều hướng dẫn thực hiện trong toàn Quân khu, về tổ chức biên chế, chức trách, nhiệm vụ và các chức danh chủ chốt của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; tập trung chỉ đạo khôi phục lại hệ thống cấp ủy Đảng dọc từ cơ sở đến Đảng ủy Quân khu; kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị các cấp; trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc, xuyên suốt của tổ chức Đảng thực hiện chế độ một người chỉ huy ở tất cả các cấp đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW. Qua đó củng cố, tăng cường được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hiệu lực của người chỉ huy, phát huy được vai trò của các tổ chức quần chúng, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong điều kiện thời bình.
Năm 1988, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2002, do tuổi cao sức yếu đồng chí qua đời. Ghi nhận công lao và đóng góp của đồng chí Trần Đình Cửu, Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.