Tổng kết những cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, pháo binh là hỏa lực chủ yếu của lục quân. Với hỏa lực công phá cực mạnh, cộng với tầm bắn xa và độ chính xác cao, khiến pháo binh trở thành một thành phần không thể thiếu trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.
Khi hỏa lực không quân, tên lửa chưa trở lên phổ biến như hiện nay, pháo binh được ví như "thần chiến tranh" để nói nên tầm quan trọng của binh chủng này trong chiến đấu.
Sức hủy diệt của pháo binh đã nhiều lần được chứng minh trong các cuộc chiến với vai trò sử dụng để “làm mềm” chiến trường trước khi lực lượng mặt đất xông lên làm chủ trận địa phòng ngự của đối phương và "thu dọn" chiến trường.
Từ khi hỏa lực của không quân và tên lửa trở nên phổ biến, pháo binh trong quân đội nhiều nước không được chú trọng như trước. Tuy nhiên từ thực tế chiến trường cho thấy, hỏa lực pháo binh vẫn luôn đóng vai trò yểm trợ chính cho các hoạt động tác chiến của lực lượng trên bộ.
Chiến tranh hiện đại đòi hỏi phải có khả năng cơ động cao và hỏa lực mạnh. Hiện nay, quân đội các nước vẫn đang phát triển song song 2 hệ thống pháo chính là pháo xe kéo và pháo tự hành; trong đó mỗi loại có một ưu thế riêng.
Đối với pháo kéo, các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, sở dĩ loại pháo này vẫn được quân đội các nước ưa chuộng là bởi các lý do sau: Thứ nhất, pháo xe kéo có trọng lượng nhẹ nên đảm bảo khả năng cơ động chiến lược, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên bộ với tốc độ ngày càng nhanh.
Ưu điểm thứ hai, cấu hình của pháo xe kéo đơn giản, kích thước nhỏ gọn nên dễ chuyên chở bằng máy bay, xe vận tải, thậm chí là có thể tháo rời từng bộ phận để đưa vào chiến trường;
Thứ ba, các bộ phận cấu thành của pháo xe kéo khá đơn giản, ít bị hỏng hóc và giá thành rẻ, nên pháo xe kéo không tốn nhiều thời gian và tiền bạc để duy tu, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, với giá thành rẻ nên việc biên chế cũng được số lượng nhiều hơn so với các loại pháo tự hành hiện đại có giá thành đắt đỏ
Hiện nay các nước đang tập trung phát triển pháo xe kéo theo hướng: tăng cỡ nòng, tăng tầm bắn, giảm trọng lượng (nhờ sử dụng nhiều hợp kim nhẹ), trang bị hệ thống tính toán phần tử bắn hiện đại và lắp động cơ phụ cho pháo để giảm bớt gánh nặng khi cơ động ở cự ly gần.
Dưới đây là một số pháo xe kéo hiện đại có tính năng chiến đấu được đánh giá rất cao, đang được biên chế trong quân đội các nước.
Pháo lựu 155 mm M-777
Pháo lựu xe kéo M777 loại mới nhất có trong biên chế của Lục quân và Hải quân đánh bộ Mỹ, do tập đoàn công nghiệp BAE Systems' Global Combat Systems (Anh) sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ.
M777 được chế tạo theo thiết kế của pháo lựu M198, tuy nhiên so với pháo lựu M198, M777 có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn (khoảng 42%) do nhiều bộ phận được chế tạo từ hợp kim titan; kíp pháo thủ còn 7 người, so với 9 người của pháo lựu M198.
Pháo xe kéo 155mm M777
Mặc dù là pháo lựu xe kéo, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực của M777 rất hiện đại, tương tự như hệ thống điều khiển hỏa lực của pháo lựu tự hành M109A6 Paladin. M777 đã phát huy hiệu quả trong các chiến dịch truy quét lực lượng khủng bố ở Iraq và Apganixtan trong thời gian qua.
Một số tính năng kỹ - chiến thuật chính: Kíp pháo thủ 7 người; trọng lượng: 4.200kg; cỡ nòng: 155mm; tốc độ bắn: 2 phát/phút (thông thường); 5 phát/phút (bắn gấp). Sử dụng các loại đạn: nổ phá mảnh, tăng tầm, đạn có điều khiển.
Hiện có trong quân đội Mỹ, Australia, Canada, Ấn Độ, Arab Saudi.
Pháo lựu xe kéo ATAGS của Ấn Độ
Pháo lựu 155 ATAGS do Tổ chức nghiên cứu phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ nghiên cứu, phát triển. Dự án ATAGS được bắt đầu từ năm 2013, tuy nhiên do gặp khó khăn trong sản xuất đạn, hệ thống hãm lùi và một số vấn đề kỹ thuật khác nên đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu.
Theo kế hoạch mới, từ tháng 3/2017 bắt đầu chương trình đánh giá thử nghiệm, năm 2019, bắt đầu sản xuất và bàn giao cho Lục quân Ấn Độ. Các bộ phận chính của ATAGS bao gồm nòng pháo, cơ cấu khóa nòng, loa hãm lùi và hệ hệ thống hãm lùi, đẩy lên.
Pháo xe kéo ATAGS của Ấn Độ
Ngoài ra, ATAGS còn có độ chính xác cao, tốc độ bắn nhanh. Trong một cuộc bắn thử nghiệm năm 2017, ATAGS đã phá vỡ kỷ lục của đạn pháo 155mm thông thường khi đạt được tầm bắn 48,07km. Trong thời gian tới, DRDO sẽ tiếp tục các cuộc thử nghiệm để hoàn chỉnh ATAGS.
Một số tính năng chính: Kíp pháo thủ từ 6-8 người; trọng lượng (kg) 12.000; cỡ nòng: 155mm; tốc độ bắn: 5phát/phút. Tầm bắn: 40km (đạn nổ phá thông thường), 48,07 km (đạn tăng tầm).
Lựu pháo xe kéo APU SBT của Tây Ban Nha
Pháo lựu 155mm APU SBT còn có tên gọi khác là S88-1, do công ty Santa Barbara Sistemas, một nhánh của Tập đoàn công nghiệp General Dynamics (Mỹ) nghiên cứu phát triển theo đơn đặt hàng của Lục quân Tây Ban Nha.
Ưu điểm nổi bật APU SBT được thiết kế để đáp ứng yêu cầu có tốc độ bắn nhanh, tầm bắn trên 40km với loại đạn tăng tầm. Ngoài mục đích sử dụng cho Lục quân, quân đội Tây Ban Nha còn có ý định trang bị APU SBT cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Điểm khác biệt của APU SBT so với các hệ thống pháo cùng loại khác là được trang bị 1 động cơ, công suất 106 mã lực, tốc độ hành quân đạt 18km/h.
Pháo xe kéo APU SBT của Tây Ban Nha
Hiện nay, Lục quân Tây Ban Nha đã nhận bàn giao đầy đủ 70 hệ thống pháo APU SBT và đã đặt hàng mua thêm 25 hệ thống nữa, nâng tổng số APU SBT trong trang bị của Lục quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này lên 95 hệ thống.
Một số tính năng kỹ-chiến thuật: Kíp pháo thủ: 05 người; trọng lượng: 13.500kg; cỡ nòng: 155mm; tốc độ bắn: 5phát/phút; tầm bắn: 41km (dùng đạn tăng tầm). Hiện đang có trong Lục quân Tây Ban Nha.
Lựu pháo xe kéo 152 mm 2A65 Msta-B
Lựu pháo xe kéo 2A65 152 mm còn được gọi với cái tên M-1987 (năm tình báo NATO phát hiện sự xuất hiện của loại pháo này trong biên chế Quân đội Liên Xô) hiện chỉ phục vụ trong Quân đội Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. 2A65 cũng thường được gọi là Msta-B vì dùng cùng loại nòng và đạn với pháo tự hành 152 mm 2S19 Msta-S.
Pháo được thiết kế theo kiểu pháo xe kéo truyền thống, pháo được đặt trên khung bệ có 2 bánh xe để di chuyển, khi bắn 2 càng được hạ xuống, bệ đỡ thủy lực dưới mâm pháo sẽ được nâng lên; như vậy cơ cấu ổn định dựa trên 3 điểm là bệ thủy lực và 2 càng pháo.
Pháo xe kéo 152 mm 2A65 Msta-B
Pháo Msta-B còn bắn được các loại đạn cũ của pháo xe kéo 152 mm D-20 và pháo tự hành 2S3 Akatsya.
Thông số cơ bản: trọng lượng 6.800 kg; khẩu đội 6-11 người; tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút; tầm bắn 24,7 km, tầm bắn 28,9 km (khi dùng đạn tăng tầm).
Pháo xe kéo FH-2000 155 mm của Singapore
Lựu pháo kéo bán tự hành FH-2000 là sản phẩm của ST Kinetics, Singapore; được thiết kế từ năm 1990 và chính thức đi vào phục vụ năm 1993. Pháo được trang bị một động cơ diesel công suất 75 mã lực cho phép tự di chuyển với tốc độ 10 km/h.
Pháo FH-2000 155 mm của Sigapore
Mặc dù được đánh giá rất hiện đại, tuy nhiên đã có một tai tạn xảy ra với pháo FH-2000 trong lần thử nghiệm tại New Zealand khiến 2 người chết và 12 người bị thương khi đạn pháo phát nổ trong nòng, nguyên nhân được xác định do ngòi nổ của đạn bị lỗi. Hiện tại Singapore đã xuất khẩu FH-2000 cho Indonesia và đang xúc tiến để bán phiên bản IFH-2000 cho Ấn Độ.
Thông số cơ bản: trọng lượng 13.200 kg; khẩu đội 6 người; tốc độ bắn 6 phát/3 phút; tầm bắn hiệu quả 19 km với đạn M-107, 40 km với đạn tăng tầm ERFB.