quân nhân năm 2019.
Ngày 26/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 37 để quy định về thẩm quyền quản hạt của các Tòa án Quân sự, trong đó Tòa án Quân sự Sài Gòn xét xử các vụ án xảy ra tại thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Tân Bình, Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa, Ô Cấp, Gò Công, Tân An và Côn Đảo.
Ngày 22/5/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 71 để ấn định quy tắc tổ chức quân đội quốc gia, trong đó quy định về quyền hạn thưởng, phạt của các cấp chỉ huy trong quân đội, riêng quyền trừng phạt trọng tội thuộc Tòa án binh.
Để đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, ngày 16/02/1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 19 về việc thành lập các Tòa án binh Khu. Ngày 25/4/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 45 về việc thành lập Tòa án binh tối cao và ngày 05/7/1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 59 về việc thành lập Tòa án binh khu Trung ương được đặt tại Bộ Quốc phòng.
Ở Nam Bộ, ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Khoa Quân pháp ra đời và hoạt động điều tra, xử lý những quân nhân vi phạm kỷ luật. Ngày 10/7/1947, Tòa án binh Khu 7 và ngày 12/7/1947 Tòa án binh Khu 8 được Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập.
Căn cứ vào các Sắc lệnh thành lập Tòa án binh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra các nghị định bổ nhiệm các nhân viên Tòa án binh, trong đó, Tòa án binh Khu 7, Chánh án là ông Nguyễn Bình, Khu trưởng; Ủy viên Chính phủ là ông Nguyễn Văn Trí, Chính trị ủy viên Khu. Tòa án binh Sài Gòn – Chợ Lớn, Chánh án là ông Tô Ký, Tư lệnh phó; Ủy viên Chính phủ là ông Trần Văn Trà, Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu.
Để tăng cường hệ thống chuyên chính, xây dựng nền pháp chế dân chủ Nhân dân, các cơ quan tư pháp được tổ chức lại theo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959. Hiến pháp quy định tổ chức của cơ quan Nhà nước trong đó xác định hệ thống tổ chức Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát Nhân dân được xây dựng, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Thi hành Hiến pháp và luật đã ban hành. Cuối năm 1960, Tổng Quân ủy quyết định tổ chức hai ngành: Tòa án Quân sự và Viện kiểm sát Quân sự thay cho hệ thống Quân pháp - Tòa án binh trước đó. Các Tòa án Quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng theo các nguyên tắc mà Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án Nhân dân quy định. Do đó, Tòa án binh Khu 7 được xác định việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các nguyên tắc mà Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án Nhân dân quy định và không lấy tên là Tòa án binh nữa mà lấy tên là Tòa án Quân sự.
Năm 1976 là năm đầu tiên ngành Tòa án Quân sự có điều kiện xây dựng và hoạt động thống nhất theo sự chỉ đạo chung. Nhiệm vụ nặng nề trong tình hình mới đòi hỏi các Tòa án Quân sự trong phạm vi cả nước phải được hoạt động đều. Để chuẩn bị thành lập các Quân khu phía Nam sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 12/11/1965, Bộ Tổng Tham mưu ban hành Quyết định số 162 quy định về biên chế cho các Quân khu miền Nam, trong đó tổ chức Tòa án Quân sự có 5 người gồm: Chánh án do thủ trưởng quân chính kiêm nhiệm, 1 Phó chánh án, 2 Trợ lý xét xử và 1 Thư ký. Căn cứ vào các quy định này, Bộ Tư lệnh các Quân khu ra quyết định thành lập các Tòa án Quân sự Quân khu.
Trên cơ sở các quy định, ở Quân khu 7, cuối năm 1976, bộ phận xét xử trong Phòng Quân pháp được tách ra thành lập Tòa án Quân sự Quân khu 7 gồm có 5 đồng chí. Đây chính là mốc để đánh dấu cho sự ra đời và phát triển của Tòa án Quân sự Quân khu 7. Ngày 5/9/1977, để xét xử những quân nhân phạm tội đầu hàng địch trong chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị 76 để tăng cường một số sĩ quan từ cấp thượng úy trở lên cho các Tòa án Quân sự, theo đó, Tòa án Quân sự Quân khu 7 được tăng cường thêm 9 sĩ quan.
Thực hiện Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 3/1/1986, thì các Tòa án Quân sự Khu vực 1 và Khu vực 2, Quân khu 7 được thành lập. Ngày 22/01/1988 Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ra Quyết định số 07 xác định cụ thể biên chế của hệ thống Tòa án Quân sự, trong đó có Tòa án Quân sự Quân khu 7 và Tòa án Quân sự Khu vực 1, Khu vực 2, Quân khu 7. Căn cứ Nghị quyết số 571 ngày 10/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 và Quyết định số 181/2019 ngày 15/02/2019 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ngày 30/5/2020 Tòa án Quân sự Khu vực 1 với Tòa án Quân sự Khu vực 2 sáp nhập thành Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7.
Qua 75 năm hình thành và phát triển, cùng trong hệ thống Tòa án Nhân dân, các Tòa án Quân sự toàn quân và Tòa án Quân sự Quân khu 7 góp phần tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của LLVT các Quân khu, địa phương, đồng thời bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, Tòa án Quân khu 7 quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng về thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tư pháp hàng năm của cấp trên.
Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, đề cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các chương trình đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quân sự, ngoại ngữ, tin học.
Đến nay, đội ngũ cán bộ từng bước được kiện toàn đủ số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên; cán bộ có chức danh tư pháp được đào tạo cơ bản, 16/16 đồng chí là cử nhân luật, trong đó có 3 đồng chí có trình độ Thạc sĩ Luật, 7 đồng chí có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 100% cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định tốt trách nhiệm, tận tụy với công việc, giữ vững phẩm chất, đạo đức, tác phong nghề nghiệp, chấp hành nghiêm nguyên tắc, kỷ luật công tác, yên tâm công tác.
Với sự nỗ lực phấn đấu, Tòa án Quân sự Quân khu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, được Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tặng bằng khen, Bộ Tư lệnh Quân khu và Cục Chính trị tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Đơn vị tiên tiến; nhiều cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên tặng bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Thẩm phán giỏi, tiêu biểu…
Chặng đường xây dựng và trưởng thành, được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên về mọi mặt của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Thường vụ Đảng ủy Cục Chính trị; sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của tòa án cấp trên; sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị; các thế hệ cán bộ, nhân viên Tòa án Quân sự Quân khu tích cực rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy truyền thống vẻ vang Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trung thành với sự nghiệp cách mạng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước, xứng đáng với vị trí là trung tâm trong hệ thống tư pháp và hoạt động xét xử như các nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đề ra.
Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 7