Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 26-9 công bố báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế châu Á (ADOU) 2017, trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan bất chấp yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, báo cáo của ADB vẫn dự báo điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% trong năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 do sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô...
Tại buổi họp báo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam-châu Á năm 2017”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Eric Sidgwick nêu rõ: “Bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng, xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa. Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới thăm Việt Nam”. Đáng chú ý, ông Eric Sidgwick nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trước các cú sốc.
Báo cáo cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong 6 tháng cuối năm 2017 nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016, và việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia.
Để những cải cách tài khóa của Việt Nam không ảnh hưởng tới tăng trưởng, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính, vốn... đang lấn át khoản chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.
Cũng theo báo cáo của ADB, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng. Để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
Báo cáo cho biết, dù sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, nhưng thặng dư thương mại đã giảm nhanh hơn kỳ vọng, do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thặng dư thương mại đã thu hẹp chỉ còn khoảng 1,5% GDP, so với mức 8,1% trong 6 tháng đầu năm 2016. Thành tích xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục khả quan nhờ sự hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới và giá hàng hóa cải thiện. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển vọng xuất khẩu.
“Mặc dù hiệu quả thương mại được dự kiến tiếp tục duy trì, Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nếu có sự suy giảm của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt, hoặc tốc độ tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc, một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam”, ông Eric Sidgwick lưu ý tại cuộc họp báo. Liên quan đến việc Mỹ giảm nới lỏng tiền tệ thời gian gần đây, ADB cho rằng, xét trên một số khía cạnh, Việt Nam có thể chịu tác động nhưng không lớn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn mạnh do các doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư vào đây để tận dụng nguồn lao động dồi dào trong bối cảnh cơ sở hạ tầng có nhiều cải thiện. Hơn nữa, danh mục đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng hạn chế nên tình trạng dòng vốn bị rút ra mạnh khi Mỹ nâng lãi suất khó có khả năng xảy ra.
Mai Nguyên