Sáng 19-11, tại khách sạn Dusit Thani Pattaya, Thái Lan đã diễn ra Lễ khai mạc chuỗi sự kiện: Duyệt binh tàu quốc tế 2017 (IFR 2017), Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 11 (ANCM-11) và Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN lần thứ nhất (AMNEX-1). Đây được coi là những hoạt động quan trọng nhất trong năm 2017 của Hải quân các nước ASEAN được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN.
Các hoạt động chính thức và bên lề trong chuỗi sự kiện này diễn ra từ ngày 13 đến 22-11 với điểm nhấn nổi bật là hoạt động duyệt binh tàu quốc tế vào ngày 20-11 do Thủ tướng Thái Lan chủ trì với sự tham gia của gần 40 tàu của 20 nước tham dự IFR 2017... Tàu 012-Lý Thái Tổ của Việt Nam tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ AMNEX-1 và IFR 2017.
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan nhấn mạnh đây là dịp để Hải quân các nước ASEAN khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, sự ổn định và sẵn sàng cùng nhau đối phó các mối đe dọa và thách thức chung ở khu vực. Hải quân các nước ASEAN sẽ tiếp tục là một lực lượng tích cực trong việc xử lý những vấn đề ở các nước và khu vực khác nhau trong tương lai.
Ngay sau lễ khai mạc, Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 11 với chủ đề “Bảo vệ và giữ gìn môi trường biển” đã diễn ra với sự tham dự của Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN. Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam tham dự và phát biểu tại ANCM-11.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam (hàng trên, ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 11.
Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác giữa Hải quân các nước ASEAN để bảo vệ hiệu quả môi trường biển ở khu vực đang ngày càng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn. Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đã đề xuất nhiều sáng kiến bổ ích và chia sẻ nhiều kinh nghiệm thiết thực khác nhau trong lĩnh vực bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị ANCM-11, Đô đốc Naris Pratoomsuwan, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho rằng sự tham gia của Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN không chỉ cho thấy sự đoàn kết của Hải quân ASEAN mà còn chứng minh sức mạnh của sự đoàn kết và mong muốn sát cánh bên nhau trong hiện tại và sau này. ANCM lần thứ 11 là diễn đàn quan trọng để Hải quân các nước ASEAN trao đổi quan điểm, thảo luận các vấn đề khác nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai cũng như khai phá những lợi ích chung. Nhưng lợi ích lớn hơn là thông qua đó, Hải quân các nước ASEAN có thể tăng cường niềm tin trong khi vẫn bảo lưu được những khác biệt độc đáo của mình. Theo Tư lệnh Naris Pratoomsuwan, đã đến lúc Hải quân ASEAN cần phải đạt được sự hiểu biết lẫn nhau thông qua nhiều hoạt động đa dạng nhằm thực hiện chủ trương “tăng cường khả năng phối hợp hoạt động” giữa Hải quân các nước ASEAN. Trong đó, “bảo vệ và gìn giữ môi trường biển” là một vấn đề không kém phần quan trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam cho rằng hiện nay, môi trường biển đang phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống. Tốc độ gia tăng dân số của nhiều quốc gia ngày càng tăng, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, các quốc gia càng thúc đẩy khuynh hướng tiến ra biển, khai thác từ biển, làm giàu từ biển. Nhưng đi kèm với nó là các phương thức khai thác thiếu bền vững, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức về giữ gìn môi trường biển chưa tốt, coi biển là nơi đổ rác thải...
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam đã nêu 4 thách thức cơ bản đối với môi trường biển mà rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải đối mặt, bao gồm: Ô nhiễm môi trường biển có nguồn gốc từ đất liền và từ biển; Phá hủy nơi cư trú tự nhiên của sinh vật biển; Khai thác, đánh bắt cá trái phép, quá mức; và tác động của biến đổi khí hậu, xảy ra thiên tai, bão lũ.
Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, để bảo vệ, giữ gìn môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nguồn sống cho người dân, cần quan tâm khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển. Hạn chế tối đa đánh bắt cá trái phép, mang tính tận diệt, sử dụng chất nổ làm hủy hoại môi trường biển. Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển, nhất là đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khoan, thăm dò, khai thác vận chuyển dầu khí, khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông, công trình biển... Xây dựng các khu bảo tồn biển. Xây dựng các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đối phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh quan trắc, phân tích môi trường biển để cung cấp dữ liệu thông tin khoa học phục vụ cho việc sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam hoan nghênh Hải quân Thái Lan có Trung tâm bảo tồn và phát triển rùa.
Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Hải quân các nước trong lĩnh vực bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Bày tỏ quan ngại trước thực trạng suy thoái môi trường biển và ven biển, Đô đốc Naris Pratoomsuwan cho rằng Hải quân các nước ASEAN cần nhận thức được vấn đề để cùng hợp tác đối phó với thách thức chung không của riêng nước nào.
Đặc biệt nhấn mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam hy vọng trong thời gian tới, Hải quân các nước sẽ có nhiều sáng kiến hay cùng hợp tác thực hiện tốt lĩnh vực này.
Nguồn: sggp.org.vn