Dù trời có mưa, hàng trăm ghe, thuyền đánh cá của ngư dân Cần Giờ nối đuôi nhau đến vị trí cúng Ông. Địa điểm Nghinh Ông trên biển là tam giang khẩu, tức là nơi giáp nhau của ba con nước (cách bờ biển khoảng 4 hải lý, ngay vị trí nhà đèn của biển. Ảnh: Lê Trần Đăng Khoa
Lễ hội Nghinh Ông được người dân Cần Giờ bắt đầu tổ chức từ năm Quý Sửu 1913. Năm 2024 Lễ hội đã được tổ chức 111 năm, đây là phong tục, tập quán tốt đẹp trong hoạt động sản xuất ngư nghiệp của người dân miền biển. Các nghi thức, nghi lễ cùng những hoạt động diễn ra trong lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ, tạ ơn Thần Nam Hải, Thần Biển đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất.
Trước mỗi ghe, thuyền đều có bày một mâm cúng Ông. Lễ vật ngư dân cúng tế thường là gà, vịt, đầu heo, heo quay. Đặc biệt không bao giờ cúng Ông bằng đồ hải sản. Ảnh: Lê Trần Đăng Khoa
Các ghe, thuyền tham gia lễ hội được trang trí rực rỡ, bắt mắt. Ảnh: Lê Trần Đăng Khoa
Khởi đầu cho lễ cúng Ông trên biển là ba hồi trống vang lên, sau đó hai bô lão đứng ra chủ trì lễ rước Ông trên biển. Mâm cỗ lúc này được đặt thêm xôi, thịt heo sống, sớ cầu an, gạo, muối và giấy tiền (vàng mã). Nghi thức lễ gồm lễ thượng hương (thắp hương), lễ chầu rượu (hai bô lão thắp hương và vái ba vái, ba lạy), lễ đọc sớ (do một bô lão đọc sớ, sau khi đọc xong thì đốt và rải tro xuống biển), lễ đại điền (lễ dâng trà theo tục lệ cổ truyền của người Việt).
Mỗi năm, có hàng trăm du khách từ các địa phương của TP.HCM về Cần Giờ tham gia lễ hội. Ảnh: Kha Thiên Lộc
LLVT huyện Cần Giờ thường xuyên tuyên truyền ngư dân về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo quốc gia. Đồng thời, luôn sát cán cùng ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh: Lê Tiến