Mới đây, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng. Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng trên phạm vi cả nước đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mô hình xây dựng khu vực phòng thủ chưa được xác định rõ; chính sách, pháp luật về quốc phòng chưa hoàn thiện, chưa thống nhất, chậm thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Hiến pháp, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng của các cấp, ngành, địa phương có nơi chưa được phát huy đầy đủ. Việc nhận thức về vị trí, ý nghĩa, vai trò và hiểu biết Luật Quốc phòng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng còn hạn chế, thậm chí có một số cán bộ cấp cao, cán bộ chủ trì ở địa phương vẫn chưa rõ về Luật Quốc phòng có từ năm nào, luật quy định về những nội dung gì...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc phổ biến pháp luật về quốc phòng của các địa phương còn mang nặng tính hình thức, hoặc triển khai thực hiện qua loa, đại khái. Mặt khác, một số cán bộ, đảng viên do chưa nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nên không “cập nhật” các nội dung được trang bị. Cũng vì nguyên nhân đó mà khi đề cập về vấn đề quân đội tham gia làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, nhiều người cho rằng, quân đội không cần phải tham gia vào lĩnh vực này. Trong khi đó, Luật Quốc phòng quy định rõ: "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập kế hoạch về khả năng và nhu cầu kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng thời bình và thời chiến...; tổ chức, xây dựng khu kinh tế-quốc phòng được Chính phủ giao; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao làm kinh tế kết hợp với quốc phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội..." (khoản 4, Điều 11).
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thành đạo luật khung về quốc phòng, làm cơ sở pháp lý thống nhất cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Khi đóng góp ý kiến, các tập thể, cá nhân cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, bảo đảm tính khoa học, toàn diện, sâu sắc, góp phần tạo dựng một văn bản luật có hàm lượng khoa học cao, phù hợp với nhiệm vụ củng cố, phát triển công tác quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cả trong hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt về việc thực hiện luật và việc xây dựng dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Thực hiện tốt những yêu cầu trên, Luật Quốc phòng mới thực sự là khung pháp lý, làm cơ sở để tăng cường thể chế pháp quyền, nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nguồn: qdnd.vn