Bà Huỳnh Thị Kim Loan, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Đảo cho biết, vào mùa này biển êm và sắp tới ngày kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 nên lượng khách ra đảo đông hơn hẳn. Hằng ngày, ngoài 12 chuyến bay đến từ TP.Hồ Chí Minh còn có thêm 4 chuyến tàu cao tốc đến từ TP.Vũng Tàu và tỉnh Sóc Trăng luôn chật kín hành khách.
* Đến thăm “địa ngục trần gian”
Một trong những địa điểm du khách thường ghé tham quan khi đến Côn Đảo là hệ thống Nhà tù Côn Đảo. Hiện có 3/8 hệ thống Nhà tù Côn Đảo đã được Ban Quản lý di tích Côn Đảo cho du khách tham quan đó là: Di tích Trại Phú Hải, Di tích Trại Phú Tường (Chuồng cọp Pháp), Di tích Trại Phú Bình (Chuồng cọp Mỹ). Đây là 3 hệ thống nhà tù điển hình cho tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với những người chiến sĩ cách mạng.
Tháng 4-1975, tại các nhà tù ở Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), còn lại là tù thường phạm, quân phạm. |
Vừa tham quan khu Chuồng cọp Pháp, ông Phạm Thanh Me, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thạnh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) nói: “Có tận mắt chứng kiến những hình ảnh được tái hiện sinh động mới thấy hết sự tàn độc của quân Pháp đàn áp, tra tấn tù nhân chính trị quá dã man. Bọn chúng chỉ cần đánh đập, phơi nắng, dội nước lạnh và rắc vôi bột xuống gây bỏng rát cho các tù nhân... cũng đủ khiến người tù chết dần, chết mòn vì kiệt sức”.
Sau khi nghe xong phần kể chuyện của nhân viên thuyết minh tại khu Chuồng cọp Mỹ, chị Lê Thị Thiên Hương (ngụ quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) nhận xét rằng Chuồng cọp Mỹ dùng cách hành hạ tù nhân tàn bạo hơn Chuồng cọp Pháp. Chị Hương xúc động nói: “Tôi rất ám ảnh với cách quản ngục tra tấn tù nhân chính trị không chỉ bằng đòn roi, tra khảo mà còn thường xuyên bỏ đói, bỏ khát, bít tất cả các lỗ thông hơi trong xà lim. Dã man hơn, chúng thiết kế các xà lim nhỏ hẹp, ẩm thấp, để xà lim ngập phân và nước tiểu, hôi thối suốt nhiều tháng liền khiến không ít tù nhân chính trị chết vì ốm đau, bệnh tật”.
Chị Hương bộc bạch: “Trong hoàn cảnh đó chẳng khác nào địa ngục trần gian nhưng các tù nhân chính trị vẫn giữ được khí tiết kiên trung của các chiến sĩ yêu nước khiến tôi rất cảm phục. Tôi thấy bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, sống có trách nhiệm hơn để không phụ lòng các chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm đấu tranh và hy sinh để đất nước ta được hòa bình, độc lập và thống nhất như ngày hôm nay”.
* Ký ức ngày giải phóng Côn Đảo
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về ngày giải phóng ở Côn Đảo, một nhân viên thuyết minh của Ban Quản lý di tích Côn Đảo đã giới thiệu gặp ông Bảy Oanh (tên thật là Phan Hoàng Oanh, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo) từng là một trong 157 cựu tù Côn Đảo đã xung phong ở lại bảo vệ và xây dựng đảo ngay sau ngày giải phóng.
Năm nay đã 75 tuổi, đôi chân đi lại khó khăn vì hậu quả của những trận đòn roi suốt 5 năm bị giam giữ ở Chuồng cọp Mỹ nhưng ông Bảy Oanh vẫn còn minh mẫn khi kể về ngày vui đại thắng. “Trưa 30-4-1975, Sài Gòn giải phóng nhưng đến 1 giờ sáng 1-5-1975, Trại VII (tên gọi khác của Chuồng cọp Mỹ), nơi tôi bị giam mới được giải phóng đầu tiên. Đến bây giờ tôi vẫn không quên được giây phút sung sướng ấy” - ông Bảy Oanh cho hay.
Ông Bảy Oanh cho biết, trong suốt ngày 30-4-1975, Trại VII yên ắng lạ thường, không có lính canh ra vào liên tục như mọi hôm. Tất cả các tù nhân không được ăn cơm. Trong khi đó, trên bầu trời Côn Đảo náo loạn tiếng máy bay quân sự. Bằng nhiều nguồn tin, các tù nhân chính trị phán đoán trong đất liền có biến động lớn. Tuy nhiên, đến khuya ngày 30-4-1975 mới có người tới báo tin Sài Gòn được giải phóng, bọn ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, bọn tù thường án, quân phạm, lưu manh đang cướp bóc, gây rối loạn trên đảo. Nhóm binh sĩ, công chức đã tìm đến yêu cầu những người tù chính trị tiếp nhận Côn Đảo.
“Nghe tin đó, tù nhân chính trị chưa tin ngay vì ban đêm mà kêu ra ngoài sợ sẽ bị địch thủ tiêu. Do đó, anh em yêu cầu nhóm người này cho mượn radio để nghe tin tức. Khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, cả Trại VII sung sướng vỗ tay, reo hò ầm ĩ. Các trại tù chính trị khác sau đó lần lượt được giải phóng. Hơn 4 ngàn tù nhân chính trị đã nhanh chóng được giao vũ khí, chiếm các khu quân sự, hoàn toàn làm chủ Côn Đảo mà không phải nổ một phát súng nào. Đến 10 giờ sáng 1-5-1975, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng” - ông Bảy Oanh kể lại.
Đến ngày 3-5-1975, Côn Đảo mới liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định qua Đài vô tuyến viễn thông. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay thì đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”. Ngay rạng sáng hôm sau 4-5-1975, 2 tàu hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì những tù nhân chính trị Côn Đảo đã hoàn toàn làm chủ và ổn định tình hình trên đảo. 500 ảnh Bác Hồ được tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. “Trong tâm thức những người tù chính trị ở Côn Đảo lúc đó mới thực sự là ngày giải phóng. Đứng trước ảnh Bác Hồ nhiều người đã bật khóc vì quá cảm động” - ông Bảy Oanh nói.