Theo báo cáo Savills Việt Nam, bất động sản công nghiệp phía Bắc có sức bật lớn hơn các khu vực khác nhờ lợi thế về giá thuê, quỹ đất và cơ sở hạ tầng. Điều này giúp tỷ lệ lấy đầy trung bình khu công nghiệp tại đây đạt 78%.
Miền Bắc dẫn đầu trong thu hút FDI
Việt Nam được đánh giá là một thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2035, với mức tăng trưởng GDP hàng năm là 6,2% nhờ vào các chính sách nhất quán và việc tối đa hóa tiềm năng thương mại.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam có sức hút với các nhà đầu tư nhờ lợi thế giá thuê, quỹ đất và sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 30/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao bộ phận dịch vụ bất động sản công nghiệp tại Savills Hà Nội cho biết, trong khi các tỉnh phía Nam chủ yếu thu hút khách thuê bất động sản công nghiệp từ các ngành chế biến, như cao su, nhựa, thực phẩm và nước giải khát, khu vực phía Bắc lại trở thành trung tâm của các ngành có giá trị gia tăng cao, bao gồm ô tô, máy móc thiết bị, điện tử và sản xuất năng lượng mặt trời.
“Trong mục tiêu định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất công nghệ cao, miền Bắc được đánh giá có sức bật lớn hơn, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông nói.
Lý giải nguyên nhân miền Bắc đang dẫn đầu trong việc thu hút các ngành sản xuât giá trị cao, ông Thomas nhấn mạnh đến sự khác biệt chính giữa thị trường miền Bắc và miền Nam nằm ở trọng tâm công nghiệp và lợi thế hạ tầng.
“Khu kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm Bắc Ninh, Hải Phòng, nổi bật với vị trí chiến lược gần Trung Quốc và thị trường Bắc Á, có lợi cho các ngành tập trung vào sản xuất”, ông Thomas Rooney chia sẻ thêm.
Lợi thế hạ tầng phát triển và giá thuê cạnh tranh
Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ và giá thuê đất cạnh tranh là hai lý do chính khiến bất động sản công nghiệp miền Bắc hút khách.
Theo đó, vùng Bắc Bộ chiếm khoảng 61% tổng chiều dài đường cao tốc của Việt Nam và bao gồm tuyến đường cao tốc hiện đại và dài nhất nước, đó là tuyến Lào Cai - Quảng Ninh (khoảng 600 km). Hệ thống cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, cùng với các sân bay quốc tế Nội Bài và Cát Bi, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối của toàn vùng.
Đặc biệt, các tuyến cao tốc liên vùng nối liền khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng tăng sức hút của miền Bắc đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tương lai, các dự án hạ tầng lớn như đường Vành đai 4 (113 km) nối Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (34 km) sẽ củng cố kết nối vùng trung du và miền núi phía Bắc với đồng bằng sông Hồng và vùng Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Savills cho rằng các tỉnh miền Bắc có lợi thế về quỹ đất phong phú và giá thuê hợp lý. Trong nửa đầu năm 2024, khu Kinh tế phía Bắc cung cấp 12.985 ha đất công nghiệp tại 73 khu công nghiệp, tăng 12% so với năm trước nhờ vào sự mở rộng của các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương.
Cụ thể, giá thuê ở các tỉnh miền Bắc đạt trung bình 132 USD mỗi m2 với hợp đồng thuê dài hạn, thấp hơn phía Nam 28%.
Bắc Ninh có nguồn cung đất lớn nhất trong khu vực kinh tế phía Bắc với mức giá 148 USD/m2/thuê 1 lần, cao hơn 12% so với mức trung bình của khu vực. Bắc Ninh cũng là tỉnh dẫn đầu nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tại miền Bắc, với 40% thị phần toàn khu vực. Dù vậy, mức giá thuê này vẫn thấp hơn trung bình giá thuê tại miền Nam là 183 USD/m2/thuê 1 lần.
Báo cáo quý 3 của Cushman Wakefield cũng ghi nhận nhờ ưu thế vị trí, cơ sở hạ tầng không ngừng cải thiện và tâm lý thị trường tích cực, các tỉnh khu vực miền Bắc vẫn duy trì đà tăng trưởng với tổng diện tích hấp thụ thuần 158 ha trong quý 3/2024, giảm 14% theo quý nhưng tăng 32% theo năm.
Đơn vị nghiên cứu thị trường này dự kiến từ nay đến năm 2027, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Bắc sẽ chào đón khoảng 4.700 ha đất khu công nghiệp có thể cho thuê. Trong đó, Hải Phòng và Hưng Yên chiếm lần lượt 27% và 23% tổng nguồn cung tương lai. Nhờ nhu cầu thuê đất khu công nghiệp vẫn duy trì cao, giá thuê đất khu công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tiếp theo.
Thanh Thịnh