(QK7 Online) - Theo đường tỉnh 746 đến ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên nơi có ngôi miếu Bà Đất Cuốc, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của "Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ sau ngày Nam Bộ kháng chiến.
Thuở rừng thiêng, nước độc
Ngôi miếu tọa lạc tại ấp Suối Sâu, trên khoảng đất có tổng diện tích 1.781m2, miếu Bà được người dân địa phương lập vào năm 1919. Điện thờ năm vị thần Ngũ Hành Nương Nương được lau chùi sạch sẽ, thoáng mát và nén hương mới được thắp tỏa mùi trầm nhẹ nhàng. Do đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt và gần 50 năm hòa bình với những chính sách phát triển kinh tế, đô thị những dấu vết về một chiến khu nay không còn nhiều.
Miếu Bà Đất Cuốc (ngày nay) tọa lạc tại ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Những năm đầu của thế kỷ XX, miếu nằm ở vùng đất từng được xem là "rừng thiêng nước độc", nơi đây được bao bọc bởi rừng già rậm rạp và địa hình hiểm trở. Những cánh rừng già um tùm, cây cối cao lớn đan xen thành tấm màn xanh dày đặc, che khuất ánh sáng mặt trời, tạo nên không khí ẩm thấp và ngột ngạt, không những thế còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật nguy hiểm như hổ Đông Dương, báo hoa mai, voi rừng,… Thêm vào đó, những dòng suối nhỏ len lỏi giữa rừng, được xem là nguồn sống nhưng cũng là chỗ phục kích của “tử thần” là loài rắn độc, vắt rừng và những mầm bệnh chết người như sốt rét.
Bên cạnh đó, địa hình rừng rậm rạp với những lối mòn dễ lạc lối, những vực sâu và những vùng đất lầy lội như những chiếc bẫy tự nhiên, sẵn sàng nuốt chửng bất kỳ ai thiếu kinh nghiệm. Rừng miền Đông không chỉ đáng sợ bởi thiên nhiên khắc nghiệp mà còn bởi những câu chuyện dân gian được lưu truyền như về cọp ba móng..
Rừng nguyên sinh vùng Đông Nam Bộ ngày nay.
Lý giải vì sao có ngôi miếu, theo người cao tuổi tại địa phương cho biết, do nơi này ngày xưa là rừng rậm và thú dữ nhiều, người dân địa phương nhỏ bé trước sức mạnh thiên nhiên, họ gửi gắm niềm tin của mình vào đấng linh thiêng giúp họ vượt qua những trở ngại thử thách, ổn định cuộc sống.
Thờ Ngũ Hành Nương Nương là một tín ngưỡng dân gian phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Nam Bộ. Đây là hình thức thờ cúng năm vị nữ thần đại diện cho năm yếu tố cơ bản của vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tín ngưỡng này phản ánh niềm tin của người dân vào sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như mong cầu sự bảo hộ và bình an trong cuộc sống.
Thờ Ngũ Hành Nương Nương là sự kết hợp yếu tố Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, phản ánh sự giao thoa văn hóa đặc trưng của đất và người Nam Bộ.
Ngôi miếu Bà trải qua nhiều lần xây dựng với nhiều vật liệu gỗ quý và trang trí rồng phụng nhưng qua hai cuộc chiến tranh đã bị tàn phá rất nhiều. Đến năm 1986, bà con địa phương đóng góp xây dựng lại ngôi miếu Bà trên nền ngôi miếu cũ bằng bê tông cốt sắt, mái lợp tôn xi măng. Miếu Bà Đất Cuốc đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28/01/2011.
Chứng kiến sự khởi đầu của chiến khu Đ huyền thoại
Trước muôn trùng hiểm trở ấy, cái chết luôn rình rập, những chiến sĩ cách mạng vẫn sống, dựa vào rừng làm căn cứ địa cách mạng đã trở thành một huyền thoại đến nỗi kẻ thù phải thốt lên sợ hãi: “Chiến khu Đ còn thì Sài Gòn mất”.
Quân và dân Chiến khu Đ xây dựng hàng hào để tránh cọp, thú dữ. Ảnh: Tư liệu.
Vùng Đất Cuốc trước đây nguyên là địa danh thuộc xã Tân Hòa xưa (tỉnh Biên Hòa xưa) nay là xã Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Để tìm vùng đất mới, những cư dân từ khắp các nơi cùng cộng cư về xây dựng cơ nghiệp tại vùng đất này vào những năm cuối thế kỷ XIX. Vùng đất Tân Hòa lúc này có địa giới rất rộng, là một trong 5 xã hạt nhân hình thành nên Chiến khu Đ oai hùng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngày 25/10/1945, giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một… Trước đó ngày 22/10/1945, Uỷ Ban kháng chiến miền Đông rút ra Xuân Lộc, Phan Thiết. Một bộ phận do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy trở về Tân Tịch, Đất Cuốc dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống thực dân Pháp.
"Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ và Trung tướng Nguyễn Bình tại Chiến khu Đ. Ảnh: Tư liệu.
Cùng với sự uy tín, bản lĩnh, Huỳnh Văn Nghệ đã nhanh chóng được nhân dân trong vùng tin tưởng và đi theo cách mạng. Các lực lượng tiểu đội vũ trang của đồng chí Chín Quỳ, bộ phận kháng chiến quận của đồng chí Cao Văn Bổ, tự vệ chiến đấu các xã, công nhân cao su Phước Hòa,… lần lượt đến gia nhập đội quân của ông Huỳnh Văn Nghệ. Từ đây, lực lượng vũ trang toàn huyện được thống nhất lại. Tiếng vang ngày càng lớn, nhiều lực lượng yêu nước khác như Ban tiếp tế miền Đông, các đơn vị tự vệ của tổng công đoàn Nam bộ, công nhân xưởng Ba Son, BIF Biên Hòa,...tựu hợp thành bộ đội Huỳnh Văn Nghệ, gọi là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, đóng căn cứ tại 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa xưa nay thuộc tỉnh Bình Dương).
Tháng 12 năm 1945, Trường huấn luyện Quân chính đã ra đời và góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và đào tạo lực lượng vũ trang nòng cốt cho các phong trào chống Pháp tại địa phương. Từ đây, hàng trăm thanh niên tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, sinh viên được huấn luyện, trang bị những kiến thức quân sự cơ bản.
Hàng ngày khí thế học tập và huấn luyện quân sự diễn ra sôi nổi. Tập trung một đợt về tại khu Miếu Bà có từ 200 - 300 thanh niên về tập quân sự tại khu gò bên cạnh Miếu và học chính trị trong ngôi miếu. Thời gian học tập mỗi đợt từ 1 – 2 tháng và rất nhiều đợt. Học viên học xong, một nửa trở về các xã làm nòng cốt cho du kích địa phương, một nửa ở lại gia nhập bộ đội. Đến cuối tháng 11 năm 1945, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tổ chức thành 4 phân đội, gọi là vệ quốc đoàn Biên Hòa, hoạt động chủ yếu trong phạm vi quận Tân Uyên. Miếu Bà trở thành một trong những điểm tập trung hoạt động cách mạng tại cái nôi của Chiến khu Đ trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Một địa điểm quan trọng xây dựng lực lượng, nuôi nấng cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Tranh miêu tả Chiến khu Đ trong những kháng chiến chống Pháp (Tư liệu tại Di tích Quốc gia Chiến khu Đ xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Thực dân Pháp không ngần ngại thực hiện các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt tận gốc phong trào cách mạng tại rừng miền Đông. Năm 1946, thực dân Pháp chiếm phần lớn vùng đất miền Đông như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, trong đó có miếu Bà (Tân Uyên). Để bảo toàn lực lượng bộ đội Huỳnh Văn Nghệ phải rút sâu vào Bưng Tre, Bà Sầm, Lò Than, Suối Cái…
Khi giặc thiết lập vùng kiểm soát khu vực này, chúng cho đào một căn hầm trước miếu. Trong thời gian đó, giặc Pháp đàn áp người dân địa phương rất tàn ác và dã man, chúng bắt giam người yêu nước, chiến sĩ cách mạng Đất Cuốc tại căn hầm đó. Những hình thức tra tấn dã man như đánh đập, treo ngược, bỏ đói với dã tâm khuất phục ý chí của Nhân dân và thông tin về những chiến sĩ cách mạng. Nhiều người đã hy sinh trong đau đớn nhưng không khai báo, thể hiện tinh thần dân tộc kiên trung, bất khuất. Đầu năm 1947, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tập kích liên tục buộc giặc Pháp phải rút đi nơi khác.
Thắp nén hương bày tỏ sự tri ân đối với anh hùng, liệt sĩ và nhân dân Đất Cuốc đã kiên cường đấu tranh, không tiếc thân mình vì ngày toàn thắng của dân tộc trước miếu Bà (nơi năm xưa giặc Pháp đã sát hại nhiều đồng bào và chiến sĩ cách mạng).
Tại miếu Bà Đất Cuốc đã có nhân vật nổi tiếng từng sống và hoạt động cách mạng, như “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ, Trung tướng Nguyễn Bình... Và rất nhiều người con Đất Cuốc đã tham gia vào công cuộc giải phóng quê hương, họ đã ngã xuống vì mảnh đất thân yêu của mình.
Mỗi nén nhang thắp lên tại miếu là lời tri ân, lời hứa sẽ tiếp nối và gìn giữ những giá trị quý báu mà cha ông đã để lại. Ngôi miếu là một trong những dấu tích minh chứng cho sự ra đời của Chiến khu Đ - căn cứ kháng chiến đi vào huyền thoại trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân Nam Bộ. Miếu Bà Đất Cuốc không chỉ là một di tích tâm linh mà còn là minh chứng sống động của lịch sử kháng chiến oanh liệt và tinh thần bất khuất của Nam Bộ - "Thành đồng Tổ quốc".
Lê Tiến