Ảnh minh họa
Quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài
Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài. Cụ thể, đối tượng liên kết giáo dục là cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
Chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục... Thời hạn của liên kết giáo dục không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.
Chương trình hành động Quốc gia 'Không còn nạn đói' ở Việt Nam
Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên Hợp Quốc.
Dành hơn 355,4 tỷ đồng tặng quà cho người có công
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018). Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng là hơn 355,4 tỷ đồng.
Bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 25/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.
Điều chỉnh một số chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 – 2020 (Chương trình giai đoạn 2 kéo dài).
Theo đó, Các hộ gia đình đã được hỗ trợ 60% vốn vay để xây dựng nhà ở trong các giai đoạn trước được tiếp tục vay 40% còn lại từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thành việc xây dựng nhà ở.
Các hộ gia đình thuộc đối tượng áp dụng Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nếu chưa vay vốn làm nhà ở mà có nhu cầu thì tiếp tục được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đối với các hộ gia đình thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo chỉ có 2 vợ chồng từ 60 tuổi trở lên, không có nơi nương tựa đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở trong cụm, tuyến thì được xóa nợ vốn vay này; Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xóa nợ cho các đối tượng này.
Thủ tướng chỉ thị triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung và chuỗi phân phối sản phẩm; xây dựng và ban hành trong năm 2018 các thông tư: hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trợ giúp đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định chi tiết một số nội dung của chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ, trình Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các địa phương bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2018...
Công điện chỉ đạo chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký ban hành Công điện số 229/CĐ-BCĐ389 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an chủ động nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà trong nội địa và các giao dịch mua bán xì gà trái phép qua mạng Internet.
Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 705/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Chương trình nhằm đánh giá mức độ rủi ro đối với các loại hình thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các thiên tai có tần suất xuất hiện cao hàng năm như bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai bão, nước biển dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn làm cơ sở đề xuất giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với rủi ro thiên tai cho các khu vực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai.
Chí Kiên