Theo các tài liệu lịch sử và hồi ký của một số cựu tù chính trị, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp chỉ diễn ra trong khoảng 40 phút. Dù có nhiều tổn thất, hy sinh nhưng cuộc nổi dậy ngày 2-12-1956 được đánh giá là một chiến công vô cùng to lớn của những cựu tù Tân Hiệp thời điểm bấy giờ.
Ông Nguyễn Văn Thông (Hai Thông), phường Quyết Thắng (Biên Hòa) nhớ lại: Vào đêm 11-10-1955 trên đường đi công tác, ông bị địch phục kích và bị bắt. Sau hơn 3 tháng tra tấn không moi được tin tức gì, đầu năm 1956 địch đưa ông về khám Tân Hiệp, một trong 6 nhà tù lớn nhất của địch ở miền Nam lúc bấy giờ.
Ngay khi bị địch bắt, ông đã mang trong mình tư tưởng vượt ngục trở về tiếp tục phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Vì thế khi địch chuyển ông từ Gia Định về giam tại Tân Hiệp, nhất là khi có cấp ủy nhà tù, đồng thời biết được Đảng ủy có chủ trương vượt ngục, đối với ông Hai Thông như “thuyền cập được bến”.
Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Trần Quang Toại cho biết, khám Tân Hiệp (Trung tâm huấn chỉnh Biên Hòa) thực chất là trạm trung chuyển để phân loại tù nhân đưa đi các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc…đây là sức ép khiến những người tù yêu nước, đảng viên cộng sản bị giam cầm tại khám Tân Hiệp sôi sục ý chí nổi dậy, vượt ngục trở về với cách mạng, với nhân dân.
Cựu tù Nguyễn Ngọc Yến (Tam Phước, Biên Hòa) nói: Hình ảnh in đậm nhất trong tâm trí ông chính là sự cố xảy ra trước cổng nhà lao sau tiếng hô “Xung phong!”. Cánh cửa nhà lao thiết kế mở vào phía trong nhưng do tình thế cấp bách mọi người xúm nhau đẩy cửa ra phía ngoài nên chỉ mở được một cánh, cánh còn lại hé một phần. Do đó, có sự ùn tắc, chen lấn gây trở ngại trên đường thoát ra, một số anh chị em phải công kênh nhau nhảy qua hàng rào, chạy ra Quốc lộ 1 và nhiều hướng tìm về với cách mạng…
Truyền lại cho thế hệ sau
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai cho biết: Sự kiện phá khám Tân Hiệp là một điểm son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Biên Hòa. Thắng lợi này đã thể hiện rõ bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường của người cộng sản và yêu nước như “Ngọc trong đá”.
Cuộc phá khám Tân Hiệp là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần đấu tranh quật cường được hun đúc trong suốt chiều dài đấu tranh gian khổ trong ngục tù, dần biến thành một cao trào có tổ chức chu đáo, có sự lãnh đạo chặt chẽ của tổ chức Đảng với qui mô lớn nhất trong lịch sử đấu tranh của Biên Hòa; kịp thời cung cấp bổ sung cho phong trào cách mạng một lực lượng cán bộ quan trọng, một nguồn vũ khí lớn giữa lúc miền Đông Nam bộ đang bị đánh phá ác liệt, tiêu hao nhiều cán bộ Trung ương Đảng ta, đồng bào cả nước rất xúc động trước cuộc phá ngục cướp súng lớn nhất đã thành công.
Kỷ niệm 62 năm ngày nổi dậy phá khám Tân Hiệp năm nay, các cựu tù, những người yêu nước vinh dự đón nhận niềm vui: Di tích Nhà lao Tân Hiệp được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.