Đây được xem là nhu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập (ngày 24-10-1945) công việc soạn thảo một văn kiện về QCN đã được Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ triển khai, giao Ủy ban Nhân quyền trực thuộc LHQ thực hiện. Sau 2 năm (1947-1948) làm việc khẩn trương của các chuyên gia hàng đầu LHQ, văn kiện đã hoàn thành. Đó là bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” (gọi tắt là tuyên ngôn). Ngày 10-12-1948, bản tuyên ngôn được ĐHĐ LHQ thông qua (Nghị quyết 217A - III).
Tuyên ngôn gồm lời nói đầu và 30 điều. Trong “Lời nói đầu”, tuyên ngôn dẫn ra những tư tưởng tiến bộ của nhân loại và những vấn đề cấp bách của cộng đồng quốc tế phải ứng phó, gồm: (1) “Tự do, công lý và hòa bình”. Tư tưởng này được xem là nền tảng của sự tồn tại nhân loại; (2) Nhu cầu về “quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và “thoát khỏi” sự khốn cùng”, được xem là nguyện vọng cao cả nhất của con người; (3) “Quyền con người phải được một chế độ pháp trị bảo đảm”; (4) Dựa vào Hiến chương LHQ, tuyên ngôn“tái xác nhận” và cam kết tôn trọng, thực thi trên toàn cầu những quyền và tự do căn bản ghi trong tuyên ngôn. Bản tuyên ngôn này “được xem như một tiêu chuẩn và mục tiêu chung cho tất cả các quốc gia, dân tộc hướng tới”.
Ảnh minh họa / TTXVN
Trong phần nội dung, 30 điều của tuyên ngôn quy định khá đầy đủ về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa.
Về các quyền dân sự, chính trị, tuyên ngôn quy định: Không ai “Bị phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến…” (Điều 2); mọi người đều có “Quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể (Điều 3); không ai bị “Tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm” (Điều 5); “Ai cũng có quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật ở bất cứ tại đâu” (Điều 6); “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 7); Mọi người đều có quyền được hưởng nguyên tắc “suy đoán là vô tội” (Điều 11); “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín”… (Điều 12); “Ai cũng có quyền có quốc tịch” (Điều 15); “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo”; ai cũng có quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tin tức… không kể biên giới quốc gia” (Điều 18); “Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình” (Điều 20); “Ai cũng có quyền tham gia chính quyền…” (Điều 21)…
Về các quyền kinh tế-xã hội và văn hóa, tuyên ngôn quy định: “Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình” (Điều 16); “Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác; không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán” (Điều 17); “Ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội” (Điều 22); “Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp” (Điều 23); “Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghỉ định kỳ có trả lương” (Điều 24); “Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình bao gồm thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết;… Sản phụ, trẻ em được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt” (Điều 25); “Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng; giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách… Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, khoan dung và hữu nghị giữa các quốc gia…” (Điều 26); “Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy” (Điều 27).
Về nghĩa vụ của mỗi người, tuyên ngôn quy định: “Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng …; Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp quy định vì quyền tự do của người khác và những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng…” (Điều 29).
Cho đến nay, sau Hiến chương LHQ, tuyên ngôn được xem là văn kiện chính trị đặc biệt, được tất cả quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa thừa nhận và được xem là giá trị chung của nhân loại. Theo đó, ngày 10-12 hằng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền thế giới. Những tư tưởng chính trị và những quy định về các quyền cơ bản của tuyên ngôn được xem là mục tiêu vươn tới của tất cả các quốc gia, dân tộc.
Ý nghĩa đương đại-lớn lao của tuyên ngôn là ở chỗ: (1) Tuyên ngôn là cơ sở tư tưởng-chính trị-pháp lý hình thành cơ chế QCN của LHQ bảo vệ QCN. Đó là cơ sở cho sự ra đời của Ủy ban Nhân quyền (1948-2006), tiếp theo là Hội đồng Nhân quyền (từ năm 2006 đến nay). Trong thời kỳ đầu, Ủy ban Nhân quyền nằm trong Hội đồng Kinh tế-xã hội. Nhận thấy tầm quan trọng to lớn của QCN, năm 2006, ĐHĐ LHQ quyết định nâng cao vai trò của tổ chức này lên thành Hội đồng Nhân quyền-cơ quan này trực thuộc ĐHĐ; (2) Tuyên ngôn là cơ sở chính trị-pháp lý để LHQ xây dựng và ban hành các công ước quốc tế về QCN; (3) Tuyên ngôn là cơ sở tư tưởng hình thành cơ chế về QCN ở các châu lục.
Ở châu Âu, “Công ước bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản” được soạn thảo từ năm 1950, có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Các thành viên của Liên minh châu Âu đều là thành viên công ước. Dựa trên công ước này, Tòa án Nhân quyền châu Âu ra đời. Tòa án có quyền nhận đơn và đưa ra xét xử bất cứ ai trong các quốc gia châu Âu có đơn tố cáo mình bị xâm phạm về QCN. Phán quyết của tòa án buộc các chính phủ trong liên minh phải có nghĩa vụ thi hành.
Ở châu Mỹ, “Công ước châu Mỹ về nhân quyền” (còn gọi là Hiệp ước San José) là văn kiện về nhân quyền chung cho các quốc gia ở châu lục này. Công ước này được các nước châu Mỹ chấp thuận trong cuộc họp ở San José (Costa Rica ngày 22-11-1969). Văn kiện này tái khẳng định tuyên ngôn và đẩy mạnh việc bảo vệ QCN ở châu lục này.
Ở châu Phi, “Hiến chương châu Phi về QCN và quyền các dân tộc” được thông qua vào ngày 27-6-1981 (có hiệu lực ngày 21-10-1981). Đây là văn kiện đặt nền tảng trong việc bảo vệ QCN ở châu Phi. Văn kiện này tái khẳng định tuyên ngôn và thúc đẩy việc bảo vệ QCN, phù hợp với tính đặc thù về lịch sử, văn hóa của châu Phi.
Cho đến nay, chưa có tổ chức nhân quyền châu Á, tuy nhiên thập niên gần đây đã có tổ chức nhân quyền ASEAN. “Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền” (AICHR) được thành lập vào ngày 1-4-2010 tại Jakarta (Indonesia). Ủy ban này quyền lực còn hạn chế-AICHR chỉ là cơ quan tư vấn liên chính phủ của hiệp hội. Mục đích của cơ quan này, bao gồm: Thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của nhân dân các nước ASEAN;…góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN…; thúc đẩy nhân quyền trên cơ sở bối cảnh khu vực, ghi nhớ tính đặc thù của từng nước và của khu vực, tôn trọng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có tính đến sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm;…
Trở lại tuyên ngôn, theo quan niệm chung - tuyên ngôn là văn kiện chính trị-tư tưởng, không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Cho nên, sau tuyên ngôn, LHQ đã xây dựng và thông qua hệ thống các công ước quốc tế về QCN (CU). Khác với tuyên ngôn, các CU là văn kiện có tính ràng buộc về pháp lý.
Cho đến nay LHQ đã ban hành hai công ước bảo vệ các quyền cơ bản của con người, gồm: “CU về các quyền dân sự và chính trị” năm 1966 (Việt Nam gia nhập ngày 24-9-1982); “CU về các quyền kinh tế-xã hội và văn hóa” năm 1966 (Việt Nam gia nhập ngày 24-9-1982). Trước đó là “Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc” năm 1969 (Việt Nam gia nhập ngày 9-6-1982).
LHQ đặc biệt quan tâm đến xây dựng các CU bảo vệ nhóm xã hội dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật), như: “CU xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” năm 1979 (Việt Nam ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982); “Công ước về Quyền trẻ em” năm 1989 (Việt Nam ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990; sau đó Việt Nam đã phê chuẩn hai nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang, ký kết ngày 8-9-2000 và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm); “Công ước về quyền của người khuyết tật” năm 2006 (Việt Nam ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015); “Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” (viết tắc là CAT), Việt Nam ký ngày 7-11-2013, phê chuẩn ngày 5-2-2015.
Theo quy định chung của các quốc gia, điều kiện để CU được thực thi là: (1) Quốc gia đó chính thức gia nhập hoặc ký kết (Chính phủ), phê chuẩn (Quốc hội) công ước. (2) Công ước được nội luật hóa trong hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia hoặc cơ quan lập pháp xác định công ước được thực hiện trực tiếp ở quốc gia đó (không cần “nội luật hóa…” trong hệ thống pháp luật quốc gia). Nhà nước Việt Nam lựa chọn phương thức “nội luật hóa” công ước. Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã nội luật hóa tất cả công ước mà mình tham gia. Bởi vậy, có thể nói các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam tham gia đến nay được bảo đảm vững chắc bằng pháp luật.
Chương II, Hiến pháp 2013-“QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có giá trị đặc biệt. Các QCN trong Chương II không phải chủ yếu là nội luật hóa các công ước về QCN mà Việt Nam đã tham gia, mà chủ yếu là kết thừa các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), nhất là Hiến pháp 1946. Có thể nói những quy định trong Chương II nói lên rằng, tôn trọng và bảo đảm QCN thuộc bản chất, xuyên suốt lịch sử Việt Nam đương đại (từ năm 1945 đến nay).
Trở lại tuyên ngôn-nói về QCN, sau tuyên ngôn là “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” (gọi tắt là tuyên bố). Đây là văn kiện Hội nghị thế giới về quyền con người (họp tại Viên (Áo) ngày 25-6-1993(2). Tuyên bố tái khẳng định tầm quan trọng của tuyên ngôn, đồng thời định hướng việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng-cập nhật về QCN, như quyền dân tộc tự quyết; quyền của người di cư; bạo lực dựa trên giới; quyền phát triển; tăng cường giáo dục về QCN và quyền được sống trong môi trường trong sạch (không bị ô nhiễm…). Đặc biệt, hội nghị đưa ra quan điểm xử lý mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của QCN.
Trong việc bảo đảm QCN ở các quốc gia, cũng như đánh giá của các nước đối với việc bảo đảm QCN thường có hai khuynh hướng: (1) Áp đặt quan điểm của mình cho một quốc gia nào đó (thường là của một số quốc gia phương Tây, nhất là Hoa Kỳ); (2) Đưa ra quá nhiều quy định hạn chế quyền viện cớ quốc gia mình có những đặc điểm riêng… Để xử lý sự khác biệt này, tuyên bố viết: “Tất cả các QCN đều mang tính phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc và liên quan đến nhau... Trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người” (Điều 5). Gắn liền với quan điểm trên, tuyên bố tái khẳng định quyền dân tộc tự quyết. Tuyên bố viết “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Với quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị cũng như tự do theo đuổi con đường phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của mình… Hội nghị thế giới về QCN coi việc khước từ quyền tự quyết dân tộc là sự vi phạm quyền con người” (Điều 2).
Xét về phương diện chính trị, tuyên bố Viên đã bổ sung cho tuyên ngôn về quyền của các dân tộc thuộc địa. Đây là cơ sở, điều kiện bảo đảm QCN đối với các dân tộc thuộc địa, lệ thuộc (vào thời kỳ đó). Ý nghĩa quan trọng của quan điểm này là các nhà nước có toàn quyền đưa ra các quy định về QCN phù hợp với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và thể chế chính trị của mình, bác bỏ các luận điệu lợi dụng QCN để can thiệp vào công việc của các quốc gia.
Có thể nói tuyên ngôn và các CU đã được cộng đồng quốc tế tôn vinh, ký kết và thực hiện. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn sự khác biệt trọng nhận thức của một số quốc gia về QCN. Đến nay, Hoa Kỳ đã ký kết, nhưng (Nghị viện) chưa phê chuẩn một số CU, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế-xã hội và văn hóa, Công ước về quyền trẻ em. Có ý kiến cho rằng, với Hoa Kỳ sở dĩ các CU được tổng thống ủng hộ nhưng chưa được Nghị viện thông qua là do chế độ đa đảng đối lập đã dẫn đến tình trạng này.
Trong những năm gần đây, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tôn trọng và bảo đảm QCN ở tất cả các quốc gia, Hội đồng Nhân quyền đã quyết định thực hiện “Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR)”. Mục tiêu của UPR là cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, UPR sẽ đánh giá báo cáo hàng năm của các quốc gia về QCN; chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia và các bên liên quan khác. Đồng thời qua đó Hội đồng Nhân quyền có thể hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nhằm tăng cường năng lực để đối phó hiệu quả với những thách thức về nhân quyền trong bối cảnh mới.
QCN là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc. Giá trị đó đã sớm được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đối với dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, QCN được xem là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Nhiều tư tưởng tiến bộ về QCN, đặc biệt là trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố ngày 2-9-1945 đã đi trước tuyên ngôn đến hơn 3 năm. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về điều này, đồng thời chúng ta cũng có nghĩa vụ nặng nề trong việc giữ gìn niềm tự hào đó cho các thế hệ tương lai.
TS CAO ĐỨC THÁI, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(2) Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Viện Nghiên cứu quyền con người, 2002.