Hình minh họa
Thống nhất đầu tư mở rộng cao tốc nối TP.HCM với Đồng Nai lên 8 – 10 làn xe
Đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành có chiều dài khoảng 22km được đề xuất mở rộng lên quy mô 8 – 10 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến được giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai.
Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đủ năng lực làm chủ đầu tư và quản lý, khai thác vận hành tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành.
Theo Bộ GTVT, so với đầu tư công và đầu tư theo phương thức PPP, việc VEC được giao thực hiện đầu tư dự án sẽ có nhiều ưu điểm, trước hết là phát huy vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc.
Việc giao VEC thực hiện cũng phù hợp với kế hoạch giao tài sản này cho VEC trong thời gian tới, thông qua hình thức tăng vốn điều lệ; không phải sử dụng vốn đầu tư công; thời gian thực hiện ngắn hơn; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới khi đầu tư theo phương thức PPP.
Về nguồn vốn thực hiện, theo Bộ GTVT, hiện VEC đã dành tất cả nguồn lực hiện có (hơn 9.400 tỷ đồng) để hoàn thành dự án Bến Lức - Long Thành. Để VEC có vốn chủ sở hữu thực hiện dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, cho phép khoanh và lùi trả gốc và lãi (gần 4.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính đã ứng trả trái phiếu cho VEC) từ giai đoạn 2022 - 2026 sang giai đoạn 2031 - 2034.
Chủ tịch tỉnh được quyết chủ trương đầu tư dự án dưới 4.600 tỷ đồng
Từ 1/1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C do địa phương quản lý có quy mô dưới 4.600 tỷ đồng.
Chiều 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với hơn 92% đại biểu tán thành. Theo đó, mức vốn để xác định tiêu chí dự án đầu tư công quan trọng quốc gia là 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần hiện nay (10.000 tỷ đồng). Tiêu chí vốn với các dự án nhóm A, B và C tăng 2 lần.
Dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 240 tỷ đồng; nhóm B đến 4.600 tỷ và nhóm A là các dự án ở một số lĩnh vực, có vốn đầu tư trên 4.600 tỷ đồng.
Luật Đầu tư công đã có các quy định nhằm phân loại dự án đầu tư công. Trong đó, cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới room tín dụng cho các ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo quyết định nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2024. Việc điều chỉnh này được thực hiện theo các nguyên tắc cụ thể, đảm bảo tính công khai và minh bạch.
ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho các TCTD, theo nội dung Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Đến ngày 28/8/2024, NHNN chủ động thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD.
Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt, duy trì dưới mức mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả.
Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ngày 28/11/2024, NHNN đã thông báo tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD. Việc điều chỉnh này được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và hoàn toàn do NHNN chủ động, không cần TCTD phải đề nghị.
Bảng giá đất của khu công nghiệp nào ở Đồng Nai sẽ tăng giá lên đến 43%
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi vừa chủ trì buổi họp nghe báo cáo về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2025. Theo báo cáo từ đơn vị tư vấn, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương vào tháng 8/2024, đồng thời kéo dài thời gian áp dụng bảng giá đất này đến hết năm 2025.
Trong đó, bảng giá đất của 4 khu công nghiệp tại Đồng Nai được đề xuất điều chỉnh tăng từ 17-43%. Cụ thể:
Khu công nghiệp Hố Nai: Giá đất tăng từ 1,7 triệu đồng/m2 lên 2 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 với tổng diện tích gần 500ha, do CTCP Khu công nghiệp Hố Nai làm chủ đầu tư.
Khu công nghiệp Thạnh Phú: Giá đất tăng từ 2,1 triệu đồng/m2 lên 2,7 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp này có quy mô 177,2ha, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sonadezi Long Bình làm chủ đầu tư.
Khu công nghiệp Ông Kèo: Giá đất tăng từ hơn 1,5 triệu đồng/m2 lên hơn 2 triệu đồng/m2. Đây là khu công nghiệp này có quy mô lớn nhất tại Nhơn Trạch với tổng diện tích 774,34ha, do Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư.
Khu công nghiệp Dầu Giây: Giá đất tăng từ hơn 1,2 triệu đồng/m2 lên 1,8 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp này có diện tích 328,36ha, tổng vốn đầu tư ban đầu 566 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Dầu Giây làm chủ đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đánh giá thời gian qua, việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nợ xấu của ngân hàng tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện một số giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành tín dụng năm 2024, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác
Trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỉ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, lượng tiền cung ứng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay… để cung ứng vốn cho nền kinh tế với chi phí hợp lý; đưa tiền ra và hút tiền về nhịp nhàng, đồng bộ, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 3, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng Nai tăng cường kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản
UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn 14516/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sản giao dịch Bất động sản, môi giới Bất động sản tại trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan khác (nếu có) theo thẩm quyền.
Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Hoàng An