Bộ Giao thông vận tải cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh. Đến nay, 3 dự án đang tổ chức thi công, riêng dự án Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, việc cung ứng vật liệu cho các dự án vẫn còn một số khó khăn chủ yếu liên quan việc tăng công suất khai thác. Một số mỏ có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế; khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ, ngành cùng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL về tiến độ thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm của vùng
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây, lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh đã phân tích, làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc xác định nguồn, khó khăn trong thủ tục cấp phép khai thác mỏ, nâng công suất ưu tiên cấp cho các dự án cao tốc; phương án thay thế các mỏ không đạt chuẩn.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, một trong những khó khăn là việc tính toán giá bán của các mỏ cát thương mại khi cung cấp cho các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tiền Giang cũng sẽ thực hiện cấp phép khai thác thêm những mỏ cát mới để bảo đảm cung cấp đủ 3,25 triệu m3.
Về phía tỉnh Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, địa phương được Chính phủ giao cung cấp trữ lượng 5 triệu m3 cát phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tỉnh đã ký xác nhận cho 2 nhà thầu đối với 3 mỏ cát, tổng trữ lượng gần 2,5 triệu m3. Phần trữ lượng còn lại khoảng hơn 2 triệu m3, UBND tỉnh đã cấp 3 giấy phép gia hạn và đang xem xét 2 vị trí mỏ để cân đối, đảm bảo đủ trữ lượng hơn 5 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thuý cho biết, tỉnh đang tiến hành hoàn thành thủ tục xử lý để cấp phép khai thác lại 7 khu vực để bù đắp cho khối lượng cát còn thiếu so với chỉ tiêu được Chính phủ giao là 3 triệu m3.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp nêu thực tế một số nhà thầu khai thác không đủ công suất đã được cấp phép làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
"Hiện nay, Sóc Trăng chưa thể hoàn thành thủ tục giao khu vực biển để thực hiện khai thác cát biển do vướng phân định ranh giới quản lý khu vực biển với tỉnh Trà Vinh và cần hướng dẫn của Trung ương để giải quyết", ông Lâm Hoàng Nghiệp kiến nghị.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đã giải đáp, làm rõ kiến nghị của các địa phương về xử lý những nhà thầu, doanh nghiệp vi phạm quy định trong khai thác mỏ; quy chuẩn, tiêu chuẩn khoa học sử dụng cát biển để san lấp cho lĩnh vực xây dựng; thủ tục thu hồi, đóng cửa mỏ, đánh giá và cấp phép khai thác tận thu mỏ đá tại An Giang theo cơ chế đặc thù để phục vụ các dự án cao tốc; xác định mức giá cát khai thác từ mỏ thương mại cung cấp cho dự án cao tốc.
Thiên An