Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn nắng nóng, đặc biệt khu vực phía Nam đã có những ngày nắng gắt và dự báo nắng nóng có thể kéo dài hơn các năm khiến mức dùng điện của người dân có khả năng tăng cao.
Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài
Mặc dù thời tiết cực đoan đóng vai trò lớn khiến hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng phi mã, nhưng sự bị động trong các giải pháp chống nóng cũng là yếu tố góp phần.
Cụ thể, nhiều gia đình thường đợi đến mùa nóng mới bắt đầu chống nóng bằng những thiết bị “hạ nhiệt” cấp tốc như quạt nước, quạt hơi, điều hòa không khí… Hiệu quả của các thiết bị làm mát này chỉ mang lại hiệu quả nhất thời, lại tạo thêm gánh nặng cho tiền điện mỗi tháng.
Thay vì sử dụng các giải pháp bị động, mọi người có thể thực hiện các giải pháp chống nóng chủ động cho ngôi nhà, đặc biệt ở khu vực sàn mái, sân thượng và tường ngoại thất.
Sơn chống nóng tường có hiệu quả?
Đối với trường hợp công trình đã hoàn thiện, lỡ bỏ qua bước chống nóng khi thi công, mọi người có thể dùng các loại sơn chống nóng phủ lên bề mặt sơn cũ ở tường ngoài và sàn mái để cấp bách hạ nhiệt cho ngôi nhà.
Sử dụng sơn chống nóng phủ lên bề mặt sơn cũ ở tường ngoài và sàn mái để hạ nhiệt cho ngôi nhà
Sơn chống nóng hay còn gọi là sơn cách nhiệt, đây là loại sơn mà trong thành phần của nó có các chất tạo màng, có khả năng cách nhiệt và phản lại ánh sáng mặt trời.
Về bản chất khoa học, sơn chống nóng hoạt động dựa trên 2 nguyên lý chính là phản xạ nhiệt và độ phát xạ nhiệt thấp.
Trong đó, với nguyên lý phản xạ nhiệt, thành phần cấu tạo của sơn chống nóng gồm lớp sơn nước, lớp tạo màu, và lớp keo, được chế tạo màng liên kết với phụ gia phản quang có cấu trúc tinh thể ngăn cản truyền nhiệt và phản xạ tia hồng ngoại. Bằng cách phản xạ nhiệt trở lại, bức tường hấp thụ ít nhiệt hơn, giúp giảm nhiệt độ bên trong nhà.
Sơn chống nóng có độ phát xạ nhiệt thấp, nghĩa là bề mặt tường sẽ tỏa nhiệt ra môi trường chậm hơn, hạn chế sự truyền nhiệt vào bên trong nhà.
Sơn chống nóng thường được sơn trên những bề mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời như mái tôn, tường ngoại thất, sân thượng
Trong quá trình hoàn thiện công trình, sơn chống nóng thường được sơn trên những bề mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời như mái tôn, tường ngoại thất, sân thượng… để làm giảm nhiệt độ bên trong nhà.
Các loại sơn chống nóng phổ biến
1. Sơn chống nóng Intek
Sơn Intek là sản phẩm chuyên dụng chống nóng mái tôn cho các nhà xưởng, nhà dân dụng. Loại sơn này là sơn chống nóng gốc nước một thành phần giúp làm giảm nhiệt nhanh chóng, có thể làm nhiệt độ bề mặt duy trì trong khoảng 12-26 độ C.
Sơn chống nóng Intek
Lớp sơn Intek có độ kết dính cao, bám tốt ở trên bề mặt, tạo thành một lớp bảo vệ và làm tăng độ bền cho mái tôn.
Ngoài ra, màng sơn không bị rạn nứt hay bong tróc trước những tác động khắc nghiệt của môi trường.
2. Sơn chống nóng Kova
Kova là thương hiệu sơn nội địa, chuyên sản xuất về các dòng sơn Nano từ vỏ trấu với độ chịu nhiệt và chống thấm cao.
Các sản phẩm của hãng sơn này hoàn toàn là hệ nước, không sử dụng chì, thủy ngân và thành phần không chứa chất độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người.
Đặc điểm nổi bật của sơn Kova là có tuổi thọ và độ bền màu cao. Các sản phẩm khi sơn trong nhà đều chịu chùi rửa tốt, không làm trầy xước hay bong tróc bề mặt, màng sơn bền dai.
Sơn chống nóng Kova
Trong đó, sơn Kova CN-05 là sản phẩm sơn chống nóng mái tôn được sử dụng phổ biến. Đây là loại sơn chịu nhiệt hệ nước 1 thành phần với chất Pure Acrylic, có khả năng chịu được nhiệt độ cao, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam.
Sơn Kova CN-05 có cấu trúc đặc biệt với các tinh thể xếp lớp có khoảng trống ở bên trong. Với công thức sản xuất hiện đại, sản phẩm này có thể tạo nên một thể đồng nhất để có thể bám chắc trên bề mặt sơn.
Bên cạnh khả năng cách nhiệt tốt, dòng sơn này còn có thể chống rêu mốc hiệu quả, qua đó đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền cho bề mặt sơn trong suốt quá trình sử dụng.
3. Sơn Dulux WeatherShield
Dulux WeatherShield là dòng sơn ngoại thất cao cấp của thương hiệu Dulux. Loại sơn này nổi bật với tính năng làm mát nhờ công nghệ Keep Cool, giúp màng sơn có khả năng phản xạ tia UV, giúp cho nhiệt độ tường giảm đến 5 độ C so với các loại sơn thông thường.
Sản phẩm này nhiều tính năng như màng sơn co giãn đến 180mm nhờ công nghệ Powerflexx, từ đó giúp chống rạn nứt và chống thấm tốt.
Bên cạnh đó, sơn Dulux WeatherShield còn có khả năng chống rêu mốc cao gấp 2 lần, giữ cho mái tôn luôn trong tình trạng sạch sẽ và bền màu.
4. Sơn chống nóng Spec
Hiện này, hãng sơn Spec đã cho ra thị trường nhiều dòng sơn ngoại thất chống nóng khác nhau.
Các sản phẩm sơn ngoại thất này sử dụng công nghệ Microsphere làm giảm nhiệt độ tường ngoài nhà, tạo không khí thoáng mát trong nhà.
5. Sơn chống nóng Insumax
Insumax là một dòng sơn chống nóng chuyên dụng dành cho phần mái tôn. Dòng sơn này có hệ số dẫn nhiệt thấp cùng với mức độ phản xạ ánh sáng cao để hạn chế sự truyền nhiệt của mái tôn một cách tối ưu.
Sơn chống nóng mái tôn Insumax có màng sơn hiệu ứng lá sen, giúp cho khả năng chống thấm, bảo vệ mái tôn khỏi tình trạng rêu mốc và rỉ sét dưới những tác động khắc nghiệt của thời tiết.
Ngoài ra, loại sơn này còn có khả năng giảm tiếng ồn khi mưa lớn ở trên mái tôn. Sơn không có chứa bất cứ chất dung môi hoặc hóa chất độc hại nào có hại cho sức khỏe hoặc môi trường.
Khả năng giảm nhiệt của sơn chống nóng phụ thuộc vào loại sơn, độ dày lớp sơn, và điều kiện môi trường
Trong xây dựng, các loại sơn chống nóng có thể mang lại hiệu quả nhất định, nhưng không phải giải pháp chống nóng tuyệt đối.
Thực tế, khả năng giảm nhiệt của sơn chống nóng chỉ khoảng 2-4 độ C, tùy thuộc vào loại sơn, độ dày lớp sơn, và điều kiện môi trường. Mức giảm 12-20 độ C thường được quảng cáo chỉ đạt được khi sơn nhiều lớp dày, khá tốn kém.
Hiệu quả của sơn chống nóng tường cũng giảm dần theo thời gian. Lớp sơn có thể bị bong tróc, bám bụi bẩn, khiến khả năng phản xạ suy giảm. Do đó, cần sơn lại sau khoảng 3-5 năm để duy trì hiệu quả.
Thiên An