(QK7 Online) - Nằm trên sông Sài Gòn, Bến Nhà Rồng chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, ngày 05/6/1911, cách đây 112 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã ra đi tìm đường cứu nước, mở ra con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam.
Bến Nhà Rồng.
Xuất thân từ gia đình trí thức phong kiến có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm được giáo dục chu đáo, không chỉ chữ nghĩa, đạo lý của các bậc thánh hiền mà còn tiếp nhận sâu sắc những bài học về đạo làm người và lý tưởng sống ở đời. Nguyễn Tất Thành đã theo cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đi cả 3 miền đất nước, chứng kiến được cuộc sống khó khăn, tủi nhục của người dân mất nước cũng như thấy rõ cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn của giới quan chức, tay sai. Đặc biệt, từ thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước, nhất là sự tan rã của phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX, đã đặt ra nhiều suy nghĩ và tác động đến chí hướng của Người, để rồi người thanh niên trẻ giàu lòng yêu nước, thương dân đã có một quyết định chính xác và táo bạo là xuất dương tìm đường cứu nước.
Vào ngày 05/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Gia Định (nay là TP.HCM), người thanh niên tràn đầy hoài bão cách mạng Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi, lấy tên là Văn Ba đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville xin làm phụ bếp, quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Đã trải nghiệm và thấu hiểu những nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX của các bậc tiền bối, với nhãn quan chính trị và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành đã sang phương Tây để tìm hiểu các nước rồi trở về giúp đồng bào mình: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Tuổi trẻ LLVT Quân khu tham quan, học tập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng.
Ngày 6/7/1911, tàu cập bến cảng Mác-Xây, nơi đầu tiên mà Nguyễn Tất Thành đặt chân tới tại Pháp. Sau đó, Người xuyên qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ với gần 30 quốc gia, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nền văn hóa,... hiểu thấu bản chất của chủ nghĩa tư bản, đế quốc, nỗi thống khổ và số phận của dân tộc thuộc địa. Năm 1918, với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc, từ một thanh niên yêu nước, Người mở rộng hoạt động xã hội và giao lưu với nhiều trí thức có những tư tưởng tiến bộ. Năm 1920, Người tham gia Đại hội Tours và đã trở thành một trong những thanh niên sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và quyết tâm đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Đây là con đường cách mạng vô sản thế giới. Con đường chủ nghĩa Mác-Lênin!
Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng ra đi, đến ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, vừa lao động, vừa học tập, nghiên cứu lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, mang theo một tài sản vô cùng quý giá, đó là con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Con đường cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xây đắp là nền tảng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đối với người Việt Nam, Bến Nhà Rồng là một trong những địa điểm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, sự kiện từ Bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, là nơi đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và phát triển tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong sáng, ngày càng vững mạnh như ngày nay.
Thanh Nghị