Mỗi lần đến Khu di tích lịch sử - văn hóa Địa đạo Tam giác sắt, chúng tôi đều có một cảm xúc rất lạ. Đó là cảm xúc tự hào về truyền thống cha ông, về người Bình Dương trung dũng, kiên cường và về dân tộc Việt Nam bất khuất. Theo lời chia sẻ của cán bộ tại khu di tích, những gian lao của quân và dân ta ngày ấy thật vĩ đại, góp nhiều chiến công cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Địa đạo Tam giác sắt tọa lạc trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc TX.Bến Cát được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18-3-1996. Hệ thống địa đạo ở đây hình thành từ năm 1948 để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Địa đạo Tam giác sắt giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân 3 xã Tây Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều chiến công vang dội…
Địa đạo từng là nơi làm việc, tổ chức các sự kiện: Hội nghị Mặt trận dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định năm 1962; Khu đoàn Sài Gòn Gia Định (nay là Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh) đã chọn vùng Tam giác sắt làm căn cứ từ năm 1962. Trong đó, Đại hội Hội Liên hiệp Học sinh - Sinh viên giải phóng Sài Gòn - Gia Định lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5-1963 tại khu rừng làng 123 nối liền 3 xã An Điền, An Tây và Phú An.
Đánh giá vai trò của Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam giác sắt), đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói: “Địa đạo Tây Nam Bến Cát là trung tâm của địa đạo chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chiến tranh ác liệt, nếu không có địa đạo thì các cấp lãnh đạo thời đó sẽ không tồn tại được”.