Qua giới thiệu của Hội CCB xã Tân Hà, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Văn Cam (sinh năm 1966) - một CCB sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Sống trong ngôi nhà khang trang và sở hữu hơn 4 ha trồng ớt chuông, hồ tiêu và chăn nuôi hơn 800 con heo, thu nhập tiền tỷ, nhưng ít ai biết được, để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay là cả một hành trình vượt khó có mồ hôi lẫn nước mắt.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phúc Thọ, Hà Nội, 16 tuổi, ông Cam cùng gia đình vào Lâm Hà xây dựng vùng kinh tế mới. Đến năm 1982, ông tham gia vào lực lượng truy quét Fulro. Hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về lập gia đình, xây dựng đời sống kinh tế. Cũng như bao gia đình ở vùng Tân Hà khi này, thu nhập của gia đình ông chủ yếu từ cây cà phê và lúa nhưng năng suất thấp khiến thu nhập gia đình bấp bênh, chật vật. Khó khăn lại chồng chất khó khăn, khi con nhỏ bị tai biến, rồi nhà tranh bị cháy... Những tưởng, tất cả có thể làm gục ngã ý chí của người lính năm xưa, nhưng ông Cam vẫn vững vàng, đối mặt với khó khăn. “Chỉ cần không bỏ cuộc, khó khăn nào cũng thể vượt qua”. Ông Cam khẳng khái nói.
Nghĩ vậy, vợ chồng ông nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, chuyên tâm trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cuộc sống dần cũng đỡ khó khăn. Không dậm chân tại chỗ, khi nhận thấy tiềm năng kinh tế từ ớt chuông, năm 2017, từ số tiền chắt chiu, dành dụm được cùng với tiền vay ngân hàng, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư hơn 400 triệu đồng để làm nhà kính trồng ớt. Nhờ tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc kỹ càng, chỉ trong vụ thu hoạch đầu, hơn 1,5 sào ớt chuông của gia đình cho năng suất đạt ngoài mong đợi, ước đạt khoảng hơn 20 tấn.
Với quan điểm “không ngừng học hỏi, sáng tạo để phát triển” cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, 2 năm sau, ông Cam mạnh dạn vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư trồng ớt chuông trên giá thể khi nhận thấy trồng ớt chuông theo lối truyền thống, cây trồng dễ bị nấm bệnh từ đất, khó xử lý. “Trồng ớt chuông trên giá thể cho năng suất cao, dễ dàng kiểm soát được sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng bởi thời tiết và có thể thâm canh quanh năm là những nguyên do khiến gia đình tự tin đầu tư”. Ông Cam nói.
Ông cho rằng để ớt chuông trên giá thể phát triển tốt, chất lượng, mật độ đậu trái cao, trước hết cần phải xử lý giá thể đúng cách; lượng nước, phân bón và các chất khác được bổ sung với tỷ lệ phù hợp. Với bài toán này, gia đình đã chủ động, tìm tòi, mày mò nghiên cứu và tự chế hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự động. Hệ thống này có thiết bị để đo EC, pH, từ đó, có thể kiểm soát và điều chỉnh lượng phân bón, nước sao cho hợp lý để cây trồng phát triển tốt; các loại phân bón được hòa tan trong nước với tỷ lệ phù hợp được phân bổ đến từng rễ cây. Và, với thiết bị này, gia đình ông có thể tiết kiệm được phân bón, nước, duy trì độ ẩm mà cây trồng vẫn phát triển tốt, năng suất ớt chuông có thể tăng hơn 30% so với lối canh tác thông thường. “Hơn 1 ha ớt chuông trồng giá thể của gia đình có thể cho sản lượng đạt khoảng từ 120 đến 130 tấn”, ông Cam cho biết. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng lẫn người trồng, gia đình hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay bằng phân, thuốc hữu cơ; diệt trừ sâu bệnh hại bằng thiên địch và đèn xông lưu huỳnh.
Ngoài đầu tư trồng hơn 4 ha ớt chuông, gia đình ông Cam còn chăn nuôi hơn 800 con heo, chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học. Để tiết kiệm chi phí, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho trồng trọt và chăn nuôi, gia đình ông xây dựng bể chứa, tận dụng nước mưa, có hệ thống lọc nước, tưới tiêu tự động.
Nhờ sự kiên trì, nỗ lực và tinh thần cầu tiến, từ nghèo khó, ông Cam nay đã gầy dựng cho mình một cuộc sống ổn định; với hơn 4 ha tiêu, ớt chuông và đàn heo, trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình đạt khoảng 2 tỷ đồng.